Chàng trai mù Ấn Độ và hành trình trở thành triệu phú
http://www.scandal24h.net/2016/04/chang-trai-mu-o-va-hanh-trinh-tro-thanh-trieu-phu.html
Bị mù hai mắt, Srikanth vẫn sở hữu công ty riêng có vốn 7,5 triệu USD. Anh may mắn vì bố mẹ luôn ở bên ủng hộ.
Lúc mới sinh, Srikanth Bolla, 23 tuổi, đã bị mù cả hai mắt. Bạn bè của bố mẹ anh cùng họ hàng đều khuyên họ nên từ bỏ đứa con tật nguyền bởi điều kiện kinh tế gia đình nghèo khó, lại ít học. Mỗi năm bố mẹ anh chỉ kiếm được khoảng 20.000 Rupee (300 USD). Tuy vậy, họ vẫn giữ lại đứa con trai tàn tật và nuôi dạy con lớn lên trong môi trường đầy tình yêu thương.
Srikanth Bolla vượt lên số phận để trở thành triệu phú khi còn rất trẻ. Ảnh: Sciencenet |
"Họ là những người giàu tình cảm nhất mà tôi biết", Srikanth tự hào nói về bố mẹ.
Theo Oddity Central, cuộc sống của Srikanth trôi qua không hề dễ dàng. Anh phải trải qua rất nhiều thử thách, trong đó có việc bị bạn bè cùng trường hắt hủi, xa lánh. Srikanth sau đó được chuyển tới một ngôi trường khác dành cho trẻ cần sự chăm sóc đặc biệt, nơi anh đạt được thành tích xuất sắc trong học tập và phát triển niềm đam mê với bộ môn cờ vua và cricket. Chàng trai trẻ thậm chí còn có cơ hội được trải nghiệm nhiều thử thách lớn như dự án Lead India của cựu tổng thống Abdul Kalam.
Trong thời gian nỗ lực hoàn thành chương trình học cấp ba, Srikanth nhận được sự giúp đỡ từ một giáo viên tốt bụng. Người này thu âm lại toàn bộ bài giảng và đưa cho anh, nhờ thế anh vượt qua các kỳ thi cuối cấp với kết quả tốt.
Trước khi có được thành công như hôm nay, Srikanth phải nếm trải nhiều thất bại, bị từ chối. Anh từng nộp hồ sơ vào học viện công nghệ hàng đầu Ấn Độ IITs nhưng không được nhận dù kết quả đầu vào rất tốt, chỉ vì bị mù. Không dễ dàng bỏ cuộc, chàng trai trẻ cố gắng trau dồi kiến thức và cuối cùng được nhận vào Học viện công nghệ Massachusetts (MIT) ở Mỹ. Anh tốt nghiệp vào năm 2012, và không lâu sau thì trở về Ấn Độ, thành lập công ty riêng, với đội ngũ nhân viên đều là những người gặp khó khăn trong cuộc sống giống mình.
Srikanth khiến nhiều người khâm phục bởi nỗ lực không ngừng, tự chứng tỏ bản thân "tàn nhưng không phế" . Ảnh: INK Talks
|
"Tình thương, lòng trắc ẩn không chỉ thể hiện ở hành động cho một kẻ ăn xin ở ngã tư vài đồng xu, mà còn ở chỗ chỉ cho người ta cách để sống và cho họ cơ hội vươn lên", anh nói.
Srikanth thành lập Bollant Industries, công ty công nghiệp chuyên sản xuất các loại bao bì đóng gói thân thiện với môi trường từ giấy tái chế, nhờ sự giúp đỡ của cô giáo Swarnalatha. Nữ giáo viên đồng thời là cố vấn và người bạn thân thiết của anh.
"Cô ấy đào tạo tất cả các nhân viên tật nguyền ở Bollant, lập nên một tập thể vững mạnh, nơi họ đều cảm thấy mình được tôn trọng", Ravi Mantha, một trong số những người đầu tư của công ty, nói. "Srikanth là nguồn cảm hứng đối với tôi. Anh ấy không chỉ là một người bạn trẻ mà còn là cố vấn của tôi, dạy cho tôi biết rằng không có gì là không thể miễn ta đã hạ quyết tâm".
Hiện tại Bollant có 4 cơ sở sản xuất, được đặt ở ba bang phía nam Ấn Độ là Andhra Pradesh, Telangana và Karnataka. Sự lao động miệt mài cùng thành công của chàng trai mù đã truyền cảm hứng cho rất nhiều người, thu hút sự đầu tư của các đại gia, trong đó có tỷ phú Ấn Độ Ratan Tata. Công ty có tổng giá trị 7,5 triệu USD.
Trở thành triệu phú ở tuổi 23, Srikanth tự nhận mình là người may mắn nhất thế giới, không phải bởi thành công mà anh đạt được, mà anh hạnh phúc vì luôn có bố mẹ ở bên, ủng hộ mọi quyết định của anh trên con đường lập nghiệp.
Theo Ngoisao.net