Bật mí Tấm Cám - Chuyện chưa kể 7 phiên bản chọn 1
http://www.scandal24h.net/2016/05/bat-mi-tam-cam-chuyen-chua-ke-7-phien-ban-chon-1.html
Nhiều ý kiến cho rằng, Vân có phần tham khi sử dụng nhan sắc “vạn người mê” Hạ Vi và ngọc nữ Lan Ngọc.
Sau hơn nửa năm thực hiện, phim điện ảnh Tấm Cám - Chuyện chưa kể do Ngô Thanh Vân sản xuất và đạo diễn bước sang giai đoạn hậu kỳ. Nhiều ý kiến cho rằng, Vân có phần tham khi sử dụng nhan sắc “vạn người mê” Hạ Vi và ngọc nữ Lan Ngọc, nhưng cô vẫn cho “gà nhà” xuất hiện.
Không cho người mới cơ hội “lột xác”, không có thế hệ diễn viên trẻ
Với một bộ phim lấy cảm hứng từ truyện cổ tích, điều khó khăn nhất chị gặp là gì?
Đó là kịch bản. Cái khó của đội kịch bản là viết mới câu chuyện cổ tích quen thuộc nhưng phải không quá xa lạ, vẫn đầy đủ những tình huống của điện ảnh để thu hút người xem. Quan trọng nhất là phim phải phù hợp văn hóa người Việt.
Tôi mất gần hai tháng ngày đêm viết kịch bản, ra đến 7 phiên bản Tấm Cám - Chuyện chưa kể khác nhau và cuối cùng chọn được kịch bản ưng ý. Một bộ phim hay quan trọng nhất là khâu kịch bản - biên kịch phải hợp lý, hấp dẫn, bên cạnh các yếu tố khác như: Diễn xuất, bối cảnh, kỹ xảo.
Hạ Vi chưa từng đóng phim, Lan Ngọc có kinh nghiệm diễn xuất nhưng chưa từng đóng vai phản diện. Giao hai vai diễn quan trọng nhất cho hai người đó, chị có thấy mình đang mạo hiểm?
Tôi đã chọn tức là được. Phải qua nhiều tháng casting, hướng dẫn họ và đóng thử, tôi mới quyết định chọn vào vai. Tôi nghĩ nếu không cho những người mới cơ hội, tạo thử thách cho họ “lột xác”, tạo kinh nghiệm diễn xuất thì mãi mãi chúng ta không có thế hệ diễn viên trẻ. Đồng thời, những vai diễn của họ vẫn mãi một màu. Đạo diễn là người phải nhìn được diễn viên làm được gì và tin vào quyết định của mình.
Lựa chọn thêm nhóm 365 khi đã có hai nhan sắc Việt trong phim, chị có đang ưu ái cho “gà nhà”?
Thật ra, nói là ưu ái, nhưng với nhóm tôi tin họ không nghĩ là ưu ái đâu. Cả nhóm phải bỏ show suốt mấy tháng để tập trung cho phim. Họ phải tập võ, tập cưỡi ngựa, vừa nắng, vừa bị chấn thương… Hai tháng đóng phim trong thời tiết khắc nghiệt và tôi làm đạo diễn thì rất nghiêm khắc.
Các thành viên nhóm có sự đầu tư và tập trung cho vai diễn. Đóng phim cực hơn so với ca hát, nhưng nhóm vẫn kiên nhẫn theo đuổi nửa năm. Họ phải để tóc dài suốt thời gian đóng phim, nghiên cứu từng cử chỉ, động thái của người xưa. Từ việc bàn tay thể hiện ra sao, cách xoay đầu, ánh nhìn, động thái như thế nào là đúng khi mặc trang phục như vậy… Các nhân vật không thể bung xõa tự nhiên mà theo đúng khuôn khổ, nguyên tắc…
Bộ phim ra rạp chắc chắn sẽ có những so sánh với phiên bản gốc đã quá quen thuộc với người Việt, chị có lo ngại điều đó?
Tấm Cám - Chuyện chưa kể không phải dựa trên phiên bản gốc mà lấy cảm hứng từ truyện Tấm Cám. Phim được làm mới theo thể loại cổ tích giả tưởng của xu hướng điện ảnh quốc tế, nên sẽ có nhiều bất ngờ. Tôi không lo bị so sánh. Mỗi giai đoạn điện ảnh, đạo diễn có cách làm phim khác nhau để phục vụ khán giả. Khán giả thích phiên bản nào cũng được, chỉ cần họ yêu phim Việt là đủ.
Nhà làm phim tư nhân thường “ngại”phim lịch sử, cổ tích
Chị học được gì cho phim của mình sau quá trình làm việc với các ê-kíp nước ngoài?
Tôi học được nhiều từ những lần tham gia dự án quốc tế. Từ khâu tổ chức sản xuất, chọn ê-kíp tham gia, chọn diễn viên, bối cảnh, phim trường, quy trình vận hành bộ máy sản xuất từ phim trường đến hậu kỳ. Mọi thứ đều có nguyên tắc, trật tự và kỷ luật cao.
Ví dụ khâu sản xuất, mỗi diễn viên đều được đoàn phim cử người quản lý lịch riêng. Ngày giờ nào có cảnh, trang phục nào, hóa trang ra sao, diễn viên được bố trí nghỉ ngơi riêng, đến khi có cảnh sẽ vào bối cảnh, chứ không lang thang tìm chỗ ngồi. Đặc biệt, mọi người phải bảo đảm đúng giờ để không ảnh hưởng cả đoàn. Cả ê-kíp gần 100 người, người nào việc nấy rõ ràng, đúng giờ và trật tự.
Từ “Ngày nảy ngày nay” tới “Tấm Cám - Chuyện chưa kể”, hình như chị rất thích những bộ phim mang hơi hướng cổ tích, giả tưởng?
Tôi thấy đây là thể loại phim thu hút cả người lớn và trẻ em. Kịch bản, kỹ xảo hấp dẫn, trang phục đẹp mắt, bối cảnh thiết kế đẹp, một thế giới huyền ảo, nhân vật nào cũng có số phận riêng. Ngoài ra, đây cũng là thể loại phim mới theo xu hướng của điện ảnh thế giới. Xu hướng làm mới và sống lại các câu chuyện cổ tích, thần thoại vốn tưởng chỉ có thể làm phim hoạt hình.
Mới đây, chị có nói rằng các đạo diễn Việt hay sợ làm phim lịch sử, cổ tích. Nhưng thực tế, nhiều người đã bắt tay làm nhưng không thành?
Đa số phim lịch sử, cổ tích thường do Nhà nước đầu tư. Các nhà làm phim tư nhân thường ngại đề tài này vì nhiều lý do, trong đó có việc đầu tư và thể hiện. Việt Nam lại không có phim trường, đó là khó khăn rất lớn. Đề tài này cần phim trường, bối cảnh đặc trưng được xây dựng riêng. Trang phục cũng cần lưu ý, vì đây là điểm khán giả dễ đánh giá nhất. Trang phục thể hiện thần thái, hồn của phim và diễn viên, nhân vật, cũng tốn rất nhiều kinh phí.
Cạnh đó, diễn viên đóng thể loại phim này phải có thần thái và cách diễn khác, cần thời gian hướng dẫn, đào tạo và trau dồi. ê-kíp được đào tạo bài bản chứ không phải làm theo mùa vụ thì sẽ chuyên nghiệp và có tâm với sản phẩm hơn. Tôi nghĩ, nếu chúng ta cải thiện được những yếu tố này sẽ phần nào lấy được niềm tin của khán giả với thể loại này.
Tôi vẫn thấy nhiều phim cũng thành công về mặt nào đó. Chúng ta đừng “vơ đũa cả nắm”, tội nghiệp các nhà làm phim. Nhưng phải thừa nhận, điện ảnh Việt Nam cần phải đầu tư và quan tâm nhiều hơn đến thể loại này bởi còn nhiều điều hấp dẫn từ lịch sử, cổ tích Việt Nam có thể khai thác nghệ thuật thứ bảy.
Cảm ơn chị!