Biển hiệu hai màu xanh - đỏ dễ gây ùn tắc giao thông
http://www.scandal24h.net/2016/05/bien-hieu-hai-mau-xanh-o-de-gay-un-tac-giao-thong.html
Trước việc đồng bộ biển quảng cáo trên tuyến phố Lê Trọng Tấn, PGS.TS Nguyễn Quốc Thịnh cho rằng, dùng hai màu xanh, đỏ ở biển hiệu quảng cáo sẽ gây khó khăn trong việc tìm kiếm, nhận diện thương hiệụ, thậm chí gây ùn tắc giao thông.
Tiền thuê cửa hàng tăng nhưng doanh thu giảm
Mới đây, tuyến phố Lê Trọng Tấn, quận Thanh Xuân, Hà Nội được cải tạo rộng gấp 3 lần khổ đường cũ và trở thành tuyến đường kiểu mẫu đầu tiên của Thủ đô. Cùng với việc mở rộng khổ đường, thay đổi làn đường, biển hiệu quảng cáo của các cửa hàng nằm ở mặt tiền tuyến phố cũng được quy hoạch đồng bộ tạo nên sự thống nhất khiến nhiều người bất ngờ.
Biển quảng cáo đồng bộ trên đường Lê Trọng Tấn.
Cụ thể, các biển quảng cáo mặt phố Lê Trọng Tấn được quy hoạch đồng bộ, thống nhất từ màu sắc, chiều cao đến tương đồng kích cỡ. Tất cả các biển quảng cáo được sơn với 2 màu xanh dương và đỏ tươi, chiều cao trung bình so với mặt đất được cố định khoảng 3,2m - 3,3m, chiều cao bảng biển là 1,1m. Kinh phí lắp đặt biển quảng cáo theo kiểu mới được Thành phố Hà Nội tài trợ.
Chính sự đồng bộ này đã gây ra một luồng tranh cãi trong giới thiết kế cũng như những người ngoài ngành. Nhiều ý kiến cho rằng, trong tình trạng các bảng biển quảng cáo lộn xộn về màu sắc, kích cỡ to nhỏ dài ngắn chồng chéo lên nhau trên các con phố Hà Nội hiện nay, sự xuất hiện của con phố kiểu mẫu với biển quảng cáo mới, đồng bộ như thế này là một điểm sáng, giúp phố phường đẹp đẽ, sáng sủa hơn.
Việc quy định 2 màu xanh đỏ khiến nhiều người khó tìm được cửa hàng mình cần.
Tuy nhiên, không ít người phản ứng gay gắt với ý tưởng sáng tạo này, đặc biệt là dân trong ngành marketing và design quảng cáo. Họ cho rằng, nếu theo khuôn mẫu sẽ không còn thấy sáng tạo trong quảng cáo nữa mà sẽ khó có thể sáng tạo để quảng cáo bắt mắt người đi đường.
Chia sẻ với chúng tôi, ông Phan Duy Lĩnh (61 tuổi), nhà ở Lê Trọng Tấn cho biết, kể từ khi khai trương tuyến phố kiểu mẫu thì lượng người đi qua con đường này đông hơn nhiều lần.
"Một phần cũng vì đường mở rộng, thông thoáng và sạch sẽ hơn trước kia. Đường không còn xảy ra tắc đường nữa, cứ chiều đến hoặc buổi tối đông người qua lại, phần vì có người hiếu kỳ tuyến phố kiểu mẫu, phần vì quy hoạch gọn gàng hơn. Bản thân tôi cũng khá hài lòng. Tuy nhiên, một số công trình xây dựng trên tuyến phố này còn chưa đồng bộ như hệ thống dây cáp, dây điện, viễn thông…", ông Lĩnh cho hay.
Ông Phong cho biết: "Việc chọn hai màu sắc xanh, đỏ và dán chữ đồng nhất khiến nhiều người không tìm được quán của gia đình tôi".
Về việc đồng bộ biển quảng cáo, ông Nguyễn Viết Phong, một hộ kinh doanh cưới hỏi ở đường Lê Trọng Tấn cũng có nhiều lời chia sẻ, theo ông Phong, trước đây biển quảng cáo nhà ông khổ rộng thu hút được nhiều khách hơn, từ khi thực hiện đồng bộ hóa quảng cáo doanh thu của cửa hàng giảm đi rõ rệt.
"Việc đồng bộ kích cỡ biển quảng cáo tôi nghĩ là hợp lý vì đó là luật của quảng cáo, không ai được sai phạm. Nhưng việc chọn hai màu sắc xanh, đỏ và dán chữ đồng nhất khiến nhiều người không tìm được quán của gia đình tôi. Kinh doanh cưới hỏi nếu không bắt mắt, sáng tạo trong quảng cáo thì rất khó. Không những gia đình tôi mà nhiều gia đình khác ở đây cũng vậy", ông Phong chia sẻ.
Không chỉ gia đình ông Phong, mà một số người dân khác trên đường Lê Trọng Tấn cũng kinh doanh chậm hơn. "Biển hiệu, màu sắc na ná nhau, xung quanh nhà tôi có 2, 3 nhà cũng màu xanh bán hàng quần áo. Nhiều khách quen họ nhìn mãi không ra nên thậm chí có lúc mất khách hoặc khách phải hỏi thăm mới tìm được cửa hàng mình. Tôi thấy doanh thu cửa hàng giảm hẳn so với trước. Chắc phải thời gian nữa mọi người quen nhìn thì may ra kinh doanh mới tốt lên được", chị Hoa, một chủ cửa hàng bán quần áo chia sẻ.
Theo chị Hoa, việc chỉnh trang lại khu phố và chỉnh trang nhà cửa nên giá thuê mặt bằng kinh doanh của chị và nhiều người khác cũng tăng lên 1, 2 triệu, thậm chí có vị trí giá mặt bằng thuê tăng lên vài triệu.
"Việc giá thuê mặt bằng thì tôi không nói đến vì bây giờ khang trang hơn nhưng điều tôi và mọi người quan tâm đó là màu sắc biển hiệu. Như thế này rất khó nhìn và nhất là vào ban đêm", chị Trang chia sẻ thêm.
"Sử dụng hai màu dễ gây ùn tắc giao thông vì mải tìm kiếm cửa hàng"
Liên quan đến vấn đề trên, PGS.TS Nguyễn Quốc Thịnh, trưởng bộ môn quản trị thương hiệu Trường đại học thương mại Hà Nội cho biết, bản thân ông nghĩ việc quy định về kích cỡ, chiều cao ở đường Lê Trọng Tấn khá là đẹp, nhưng ở góc độ chuyên môn chúng ta nên chỉ có quy định về đường bao, đường viền, hoặc điểm nhấn xanh đỏ. Còn trên biển nên để màu trắng để họ thể hiện màu sắc thương hiệu của mình. Ngoài ra, quy chuẩn về logo chiếm bao nhiêu % diện tích, tên của nhà phân phối nằm ở vị trí nào thì ông cho rằng sẽ hợp lý hơn nhiều.
Ông Thịnh cho rằng kích cỡ thực hiện rất đẹp nhưng sử dụng hai màu xanh, đỏ chưa hợp lý, khó nhận dạng những thương hiệu lớn.
"Nếu theo quy chuẩn này thì không hợp lý và làm mất đi tính nhận dạng thương hiệu của các doanh nghiệp lớn. Nếu tôi là chủ của các doanh nghiệp lớn tôi sẽ không đồng tình. Bởi vì điều này rất khó để nhận diện thương hiệu. Biển quảng cáo là điểm tiếp xúc để nhận diện thương hiệu giúp người tiêu dùng hình dung ra và hiểu được phần nào đó nội dung thông điệp mà doanh nghiệp muốn truyền tải. Kèm theo đó là cả màu sắc, khẩu hiệu, thành tố để tạo nên một doanh nghiệp. Chính vì thế việc chúng ta thống nhất về màu sắc như thế là không ổn", PGS.TS Nguyễn Quốc Thịnh đưa ra quan điểm.
Theo ông Thịnh, việc mải nhìn biển hiệu như thế này dễ gây ùn tắc giao thông.
Theo PGS.TS Nguyễn Quốc Thịnh, việc đồng bộ biển quảng cáo nhiều nước trên thế giới đã làm như Mỹ, Trung Quốc… nhưng ở đó họ chỉ đồng bộ về kích cỡ biển quảng cáo, độ cao hoặc có đặc trưng về đường viền, đường bao để tạo dấu ấn riêng cho con phố đó.
"Trong kinh doanh, việc nhận dạng thương hiệu có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, nó thể hiện việc tiếp xúc đầu tiên với doanh nghiệp hoặc cửa hàng giúp người ta có thể nhận diện ra và biết nhanh nhất, chính xác nhất mặt hàng kinh doanh, thông điệp mà các cơ sở đó muốn truyền tải mà không chỉ đơn giản là người ta có ấn tượng hay không ấn tượng với doanh nghiệp và lâu dần tạo thành tiềm thức con người gắn kết với đặc trưng mà doanh nghiệp truyền tải", PGS.TS Nguyễn Quốc Thịnh nói.
Theo ông Thịnh, trong lý thuyết quản trị doanh nghiệp luôn nhấn mạnh phát triển các điểm tiếp xúc thương hiệu mà một trong những điểm được nhấn mạnh đó là các biển quảng cáo gồm logo, tên thương hiệu ở biển…
"Trong bối cảnh cạnh tranh mạnh mẽ giữa các thương hiệu và nhiều nguồn thông tin như hiện nay thì việc nhận diện thương hiệu nhanh nhất và hiệu quả nhất là các điểm tiếp xúc thông qua biển hiệu. Hiện biển quảng cáo treo ở ngoài đường thì người đi đường chỉ 1, 2 giây người ta có thể nhận diện được biển quảng cáo. Nếu đồng loạt màu sắc như thế thì sẽ không ổn và gây khó khăn khi người ta tìm đến dịch vụ", ông Thịnh thẳng thắn chia sẻ.
Ông Thịnh đặt ra vấn đề rằng: "Nếu 7 nhà cùng dùng biển quảng cáo màu xanh nằm cạnh nhau thì để tìm được cửa hàng mình cần tìm cũng không đơn giản, mà điều này còn tạo nên cảnh ùn tắc giao thông vì người ta đi đường mải nhìn biển quảng cáo".