Biệt thự tiền tỷ ở Hà Nội 2 năm không có nước sạch phục vụ sinh hoạt
http://www.scandal24h.net/2016/05/biet-thu-tien-ty-o-ha-noi-2-nam-khong-co-nuoc-sach-phuc-vu-sinh-hoat.html
Bỏ ra số tiền khoảng 3 tỷ đồng để mua căn biệt thự liền kề Ao Sào (phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội) nhưng nhiều người dân phải khốn đốn trong cảnh thiếu nước sạch. Hàng chục hộ dân hiện tại đang dùng nước giếng khoan tanh hôi hay phải mua nước sạch sinh hoạt.
Khổ sở vì không có nước sạch để sinh hoạt
Gần 2 năm nay, hàng chục hộ dân sống trong khu đô thị chức năng Ao Sào (phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội) vô cùng khổ sở trong việc tìm kiếm nguồn nước sạch để sinh hoạt. Người dân luôn phải chờ đợi hứng từng giọt nước, hay bỏ hàng chục triệu đồng khoan giếng để lấy nước dùng nhưng vẫn phải dùng nước có mùi tanh, hôi.
Khu biệt thự liền kề Ao Sào được xây dựng khá hiện đại.
Tuy nhiên, gần 2 năm nay luôn trong tình trạng thiếu nước sạch.
Nhìn vòi nước chảy lí nhí, bà Vũ Thị Vui không khỏi buồn lòng. Suốt gần 1 năm trời chuyển về căn biệt thự này, gia đình bà Vui vô cùng khổ sở vì chuyện không có nước sạch sinh hoạt.
"Cứ nghĩ đến cảnh chầu chực lấy nước mà khổ sở vô cùng. Ban đầu gia đình tôi nghĩ gom góp hơn 3 tỷ mua căn nhà ở đây sẽ yên tâm sinh sống, làm ăn. Nhưng không có nguồn nước sạch sử dụng mà phải dùng nước giếng khoan mấy nhà chung nhau", bà Vui cho hay.
Người dân vô cùng khổ sở trong việc tìm kiếm nguồn nước sạch để sử dụng. Trong ảnh, bà Vui đang hứng từng giọt nước.
Thùng chứa nước của một số hộ dân ố vàng.
Theo bà Vui, nguồn nước ở giếng khoan có mùi tanh và vàng ố nên gia đình phải lọc qua nhiều lớp. Còn dùng nước để ăn thì gia đình bà mua thêm máy lọc nước có giá 4 triệu đồng về để sử dụng.
Chung nỗi khổ như gia đình bà Vui, gia đình anh Phạm Lê Quân (24 tuổi), cũng phải khổ sở vì thiếu nước. Nhà anh Quân đã phải xây thêm bể chứa hơn 4m3 để tích trữ nước dùng dần. Tuy nhiên, nguồn nước gia đình anh sử dụng là nước giếng khoan vài hộ gia đình bỏ tiền ra khoan và cùng sử dụng.
Không có nước sạch, nhiều hộ gia đình bỏ tiền túi khoan giếng lấy nước.
Theo anh Quân, nguồn nước giếng khoan bơm lên ố vàng, phải lọc nhiều lần.
Một số gia đình ở xa nguồn nước phải kéo dây cả trăm mét.
"Đường dẫn dài, nước yếu nên tình trạng hết nước, thiếu nước sạch vẫn thường xuyên xảy ra. Nhưng biết làm sao được, thiếu gì chứ thiếu nước sạch mà đặc biệt là những ngày hè này thì khổ vô cùng", anh Quân chia sẻ.
Theo anh Quân, có nước để dùng thì mừng nhưng xung quanh trước đây là nước ao hồ tù đọng, bãi rác nên chúng tôi sợ chả dám dùng để ăn uống. Tuy nhiên, không dùng nước này thì gia đình anh cũng không biết lấy nước ở đâu.
Nhiều lần cầu cứu chính quyền và công an địa phương nhưng bất lực
Theo nhiều người, khu đô thị Ao Sào đang bị cư dân phàn nàn gọi là khu đô thị "3 không". Đường vào nhếch nhác, bụi mù suốt ngày, hệ thống nước sạch hoàn toàn không có, sổ đỏ cũng bặt vô âm tín... Điều này khiến hàng chục hộ gia đình khóc dở, mếu dở suốt hai năm qua.
Liên quan đến vấn đề trên, trưa 11/5, trao đổi với chúng tôi, ông Trần Xuân Nghiên, Phó giám đốc Công ty cổ phần đầu tư Lũng Lô 5, chủ đầu tư dự án lý giải, trước khi bàn giao nhà cho các hộ dân (tháng 11/2014), đơn vị đã ký hợp đồng với Công ty nước sạch Hà Nội.
Ông Trần Xuân Nghiên, Phó giám đốc Công ty cổ phần đầu tư Lũng Lô 5 trao đổi về vấn đề thiếu nước sạch.
"Khu đô thị Ao Sào nằm trong tuyến thoát nước cuối cùng của TP Hà Nội, là vùng vốn sình lầy, hoang hóa trước đây được quy hoạch xây dựng thành nhà ở. Phía chủ đầu tư chúng tôi đã có văn bản đề nghị Công ty nước sạch Hà Nội cấp nước vào tháng 6/2014 và ký hợp đồng với xí nghiệp cấp nước Hoàng Mai. Tuy nhiên qua nhiều lần nhân viên nước sạch xuống đấu nối họng nước ở khu dân cư Giáp Tứ (Thịnh Liệt) thì bị một số người cản trở vì cho rằng nếu họng nước này cung cấp cho khu biệt thự liền kề, nguy cơ họ không có nước sạch sẽ rất cao", ông Nghiên cho hay.
Theo ông Nghiên, nhiều lần đơn vị đã cầu cứu chính quyền và công an địa phương, nhưng dường như bất lực. "Bản thân nhà đầu tư không mong muốn chuyện không có nước sạch xảy ra. Việc thiếu nước là trách nhiệm của chúng tôi nhưng phải có chính quyền vào cuộc", ông Nghiên chia sẻ.
Ông Nghiên cũng nói thêm: "Trong khi chờ chính quyền can thiệp, đến nay để khắc phục tình trạng này, trước mắt chúng tôi chỉ đạo Ban quản lý dự án (có nguồn nước dùng cho 50 người) tạm thời chia sẻ cho khoảng 20 hộ dân ở ven đó dùng chung. Về giải pháp lâu dài, chúng tôi đã làm việc với bên nước sạch tìm một họng nước khác ở xa hơn, kinh phí đầu tư nhiều hơn, nếu không gặp phải sự cản trở nào nữa thì trong khoảng một tháng tới người dân sẽ có nước sạch để sinh hoạt mà không phải đi mua".