Chùa Phước Kiển: Sự bí ẩn từ lá sen
http://www.scandal24h.net/2016/05/chua-phuoc-kien-su-bi-tu-la-sen.html
Chùa Phước Kiển, một ngôi chùa khá khiêm tốn nhưng lại thu hút rất đông du khách do có lưu tích của hạc, rùa quy y và đặc biệt là có loài sen lá to bằng cái nia với đường kính khoảng 2 m, mép lá dựng cao cả tấc (10cm) đủ sức chở một người nặng trên 60 kg.
Chùa Phước Kiển (Phước Kiển Tự) nằm khá sâu trong xã Hòa Tân (Châu Thành, Đồng Tháp) được thành lập trước thời vua Thiệu Trị, là cơ sở hoạt động cách mạng trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ. Người dân trong vùng vẫn thường gọi chùa bằng cái tên dân dã “Chùa sen vua” bởi ở đây có nhiều cây sen khổng lồ trong ao chùa.
Chùa có hai ao sen, ao nhỏ trước cổng và ao lớn nằm ở phía sau, từng là hố bom thời chiến tranh. Có rất nhiều loại sen, súng được sư trụ trì đem trồng, nhưng nổi bật là loài sen lạ có lá đường kính từ 1,5 – 2m, dày và nhiều gai (có thông tin loại sen này xuất hiện vào năm 1992). Cọng sen to gần bằng cổ tay người trưởng thành, mép lá cao 2 – 5cm tạo thành hình cái nia trông rất lạ mắt..
Nhiều nhà khoa học đã tìm hiểu song chưa tìm ra câu trả lời về nguồn gốc của loài sen lạ kia. Có giả thuyết rằng vùng Hòa Tân thời chiến tranh chịu nhiều bom đạn chất độc hoá học nên sen thường đã bị biến đổi gen thành sen nia to lớn dị biệt, nhưng chưa được các nhà khoa học xác định nên gốc tích của loài sen này vẫn còn trong vòng nghi vấn.
Vào mùa khô, lá sen chỉ to 1 – 1,5m nhưng vào nùa nước nổi lá sen có thể nở rộng gần 3m, 3 tháng sau mới tàn. Ao sen hình vuông với các lá sen hình tròn tượng trưng cho trời tròn, đất vuông theo quan niệm của người xưa.
Sư trụ trì Thích Huệ Từ cho biết: “Hoa nở lần đầu vào khoảng 6h tối tỏa hương thơm ngát đến 12h sáng hôm sau thì bắt đầu khép lại. Tầm 3h hoa lại nở, đến khoảng 4 – 5h chiều thì khép cánh. Từ màu trắng hồng ban đầu, mỗi lần hoa nở sẽ sẫm hơn một chút đến khi tàn sẽ có màu tím thẫm”.
Ngoài chuyện sen lạ, chùa Phước Kiểng còn hai linh vật khác rất được khách thập phương mến mộ là quy và hạc. Nói theo kiểu nhà Phật, cả hạc lẫn rùa đã được siêu thoát, hiện nay không còn ở chùa nữa.
Chuyện như giai thoại. Có lần, tên Mười Phu, trung đoàn trưởng quân ngụy đóng bên kia sông nghe tin chùa có con quy rất khôn, bèn dắt lính mang súng sang “thử thách”. Mười Phu nói với thầy trụ trì: “Nghe nói ông có con quy rất khôn, giờ ông bồng nó ra trước sân chùa, nếu nó bò ngược trở vào chùa được thì tui đi. Nó bò lệch đường, tui bắn bỏ, đem về làm mồi nhậu chơi”.
Thầy kể là lúc nghe tên Mười Phu nói thế, thầy cũng ngại vì không biết quy thông minh đến mức nào. Nhưng tình thế không cho phép thầy làm khác. Quy được mang ra sân chùa, khi đặt quy xuống đất, rất chậm rãi, quy ngước đầu nhìn xung quanh rồi chậm chạp bò vào chùa trước những cặp mắt mở to của bọn lính.
Chưa bằng lòng, Mười Phu hạ lệnh cho tên đàn em bắt quy mang ra tận mép sông để thử lần nữa. Lần này, hắn cẩn thận bảo đàn em đắp một con đường bằng bùn dẫn xuống sông với hy vọng quy lâu ngày sống trên cạn, sẽ nhớ nước mà bò theo hướng khác. Ngờ đâu, quy vẫn lặng lẽ quay đầu bò vào chùa.
Quy ở trong chùa đến năm 1999 thì có bạn. Bạn quy là con hạc được một người dân gần đấy bán cho thầy trụ trì với giá 3,1 triệu đồng. Thầy trụ trì mua hạc với ý định sẽ cắt dây phóng sinh. Ngờ đâu, khi cắt dây, hạc chẳng đi đâu mà chỉ sống quấn quýt trong chùa. Hạc rất hiểu tiếng người.
Thầy bảo hạc bay là bay. Bảo vỗ cánh là vỗ cánh. Bảo che sương là lập tức xòe cánh che ngang đầu thầy khi kinh kệ. Có lần, thầy nhờ người ghi lại cảnh hồ sen. Thợ chụp ảnh muốn có hạc cho đẹp, thầy bảo: “Hạc, con đứng trên lá sen để chụp ảnh. Nhưng đừng bấu vuốt chặt quá, kẻo rách lá sen”.
Lập tức, hạc đậu rất nhẹ nhàng. Thợ bảo, hạc bay từ trên cao xuống lá sen hình mới đẹp. Thầy truyền lại lời, tức khắc, hạc làm theo. Tiếng đồn về hạc lan nhanh còn nhanh hơn cả gió. Ngay ngày hôm sau, nhiều lượt người kéo vào chùa để xem hạc đứng trên lưng quy nghe thầy tụng kinh.
Tiếc thay, hạc ở chùa không lâu. Vài tuần sau, hạc bỏ chùa mà đi. Hình như là có lệnh mang hạc về Trung tâm bảo vệ động vật hoang dã gì đấy. Hạc đi ít lâu, quy cũng mất. Thầy trụ trì tiếc cả hai con vật thông linh, bèn ướp xác quy, đeo vào cổ một chuỗi tràng hạt, đặt trong lồng kính thờ trong chùa. Trên mai quy còn khắc năm vào chùa và ngày mất 1948 – 29/7/2002.
- Theo Du Lịch Bụi