Công nghệ bơm chất lạ vào tôm và chuyện bày trò trong kinh doanh của thương lái Trung Quốc

Vì lợi nhuận, một số cơ sở mua bán tôm ở huyện Giá Rai (Bạc Liêu) đã bơm CMC hay rau câu vào tôm để “hô biến” thành những con tôm to, căng, nặng.
Các thương lái Trung Quốc đã lợi dụng chuyện này để bày ra nhiều chiêu trò kinh doanh.

Hóa chất được bơm vào trong tôm
Bơm bằng máy, thay vì thủ công
Thời gian gần đây người dân huyện Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu vô cùng hoang mang trước thông tin tôm được bơm tạp chất hóa học gây ung thư trước khi đưa ra tiêu thụ. Đặc biệt sự việc càng nóng hơn khi xuất hiện 1 đoạn clip quay được toàn cảnh quy trình cho ra những con tôm no căng, thẳng dài do được “ăn” no tạp chất.
Từ những thông tin bạn đọc hỗ trợ, PV đã tìm gặp bà Lê Thị Mỹ Luyến (ngụ ấp Khúc Tréo B, xã Tân Phong, huyện Giá Rai), chủ cơ sở có tôm được bơm chất CMC trong đoạn clip trên.
Bà Luyến cho biết, đó là hình ảnh quay cơ sở của bà khi bị cơ quan chức năng bắt giữ bất ngờ vài tháng trước, chứ không phải mới đây. Từ ngày bị bắt, cơ sở bà Luyến vẫn hoạt động bình thường, còn việc có tiếp tục bơm CMC vào tôm hay không thì không ai biết.
Cơ sở mua bán tôm của bà Lê Thị Mỹ Luyến
Theo bà Luyến, cơ sở của bà hoạt động cách đây hơn 2 năm. Thường ngày, bà lấy tôm ở các mối buôn rồi đem về “hô biến” thành những con tôm to, căng để kiếm lời. Cứ mỗi kg tôm được bơm CMC hay rau câu vào sẽ đem về thu nhập cho cơ sở từ 80.000-100.000đ/kg.
Chủ cơ sở này cũng như nhiều người dân địa phương cho biết, sau khi bơm “chất”, con tôm sẽ được ướp đá lạnh, rồi chuyển đi nơi khác tiêu thụ, như xuống Cà Mau hay lên TP. Cần Thơ. Sau đó, số tôm này sẽ được đưa ra chợ bán lẻ, hoặc bỏ mối cho các quán nhậu, nhà hàng…
Đặc biệt, chưa bao giờ bà Luyến đem tôm của cơ sở mình bán ở các chợ địa phương. Vì đại đa số người dân đều biết chiêu trò, cách nhận biết con tôm nào ngon, con tôm nào đã được bơm “chất”.
“Nhu cầu” bơm tôm tăng cao khiến các cửa hàng cũng ăn theo khi thiết kế ra nhiều mẫu hệ thống máy bơm tôm với giá 10-15 triệu đồng. Trong vai một người cần tìm 1 hệ thống máy bơm “chất” vào tôm cho hộ gia đình có khoảng 10 nhân công, PV được chủ một cơ sở ở ấp Khúc Tréo B cho biết, giá chỉ hơn 10 triệu đồng. Nếu PV muốn lấy hàng gấp thì 1-2 ngày sẽ có, nhưng giá tiền sẽ cao hơn. Còn hệ thống dùng cho 5-7 người làm chỉ có giá khoảng 7 triệu đồng. Khi làm xong, phía cửa hàng sẽ cho người đến tận nhà để lắp đặt.
Dây chuyền bơm
Một người phụ nữ tự giới thiệu mình tên Hoa, có kinh nghiệm 7 năm trong việc bơm tôm từ lúc mới rộ bơm tôm bằng nước đến rau cau, hóa chất, kể: “Thông thường nếu 1kg tôm được bơm sau khi đưa ra thị trường tăng từ 1,3 - 1,5kg. Tôm được bơm theo nguyên lý từ dưới lên.
Ban đầu người ta dùng kim tiêm bơm ở phần đuôi. Tiếp đó là vùng dưới bụng cho các chân, càng tôm. Sau cùng là phần má đầu. Đa số các hộ kinh doanh nhỏ lẻ hay đầu mối đều biết được nguyên lý này. Đặc biệt, chỉ có tôm sú mới 'ăn' được tạp chất còn tôm thẻ, tôm đất thì không được. Lý do là 2 loại tôm này không “chịu” tạp chất và có kích thước khá nhỏ”.
Theo chị Hoa, việc bơm tạp chất phải cẩn thận, bởi nếu tiếp xúc nhiều với loại tạp chất trên sẽ khiến da tay bị ăn mòn rất nhiều, dẫn đến ngứa và lở tay. Sau khi mua chất này với giá 1,5 triệu đồng cho 1 bao 25kg, người dùng chỉ cần cho 1 ít hòa tan vào nước là có thể sử dụng.
Nếu dùng không hết số nước đã pha để bơm vào tôm thì phải bỏ đi ngay chứ không thể để qua đêm hay tái sử dụng được. “Vì chúng có mùi rất hôi thối, để qua đêm sẽ đóng mảng cứng”, chị Hoa cho hay. Có khi chỉ với 1 con tôm, sẽ được nhiều cơ sở bơm đi bơm lại nhiều lần để tăng trọng lượng, tăng độ đẹp cho tôm.
Tiếp xúc với chúng tôi, một chủ cơ sở mua bán tôm khá lớn ở thị xã Giá Rai cho biết:“Đúng là ngày trước việc bơm nước vào tôm được cơ quan chức năng 'ngó lơ' nên ai ai cũng làm. Nhưng từ ngày Nhà nước cấm, các công ty, cơ sở lớn đều không làm nữa, cũng như không nhận các mối tôm như vậy. Chỉ có những cơ sở nhỏ lẻ, tự ý mua tôm về buôn bán qua lại mới làm điều này. Còn tôm của chúng tôi mua dưới nước, mua ngay hồ thì không có chuyện tôm bị bơm được”.
Cũng theo chủ cơ sở này, cách nhận biết con tôm bị bơm rất đơn giản. Tôm bơm “chất” có kích thước to, lưng thẳng, đuôi xòe, các chân và càng cũng to thẳng. Đặc biệt con tôm không còn các nấc, căng tròn thì đó chính là con tôm bị bơm. Với loại tôm nhỏ hơn, chỉ cần bóc phần đầu hoặc lấy dao rạch phần bụng sẽ thấy được “chất” được bơm vào, nằm bầy nhầy bên trong.
Công nhân đang bơm tạp chất
Thương lái Trung Quốc tranh mua tôm và bày trò bơm tạp chất
Cả chục năm nay, có nhiều thương nhân Trung Quốc đến Cà Mau để mua tôm nguyên liệu. Thậm chí, họ còn chủ động ra giá mua cao hơn giá các nhà máy ở ĐBSCL đang áp dụng.
Theo ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty Fimex Sóc Trăng, không chỉ ở Cà Mau mà ở Bạc Liêu, Sóc Trăng... đều có mặt các thương nhân Trung Quốc. Đã có lúc các nhà máy thủy sản ở miền Trung “la làng” khi nhiều thương nhân Trung Quốc sang tranh mua tôm thẻ chân trắng. Ngoài mua tôm, các thương nhân này còn đến tận các bến bãi để mua nhiều loại hải sản khác mang về nước.
Theo ông Lê Văn Quang, Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (Cà Mau), các thương nhân Trung Quốc đã có mặt tại một số tỉnh ở ĐBSCL rải rác từ khoảng hơn 10 năm trước.
Ở Cà Mau, thậm chí có doanh nghiệp chỉ chuyên cung ứng 1 mặt hàng duy nhất là tôm nguyên con và cũng có thị trường đặt hàng duy nhất là Trung Quốc. Thương nhân Trung Quốc cũng đã xây dựng được hệ thống cung ứng tôm riêng của mình, chủ yếu là các doanh nghiệp tư nhân, các nhà máy nhỏ, vựa thu mua... ở ĐBSCL.
Chất CMC
Sẽ không có gì để nói nhiều, nếu việc mua tôm nguyên liệu của các thương nhân Trung Quốc bình thường như các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam. Đằng này, theo ông Lực:“Họ mua giá cao và đề nghị các điểm cung cấp phía Việt Nam bơm tạp chất vào”.
Nếu như trước đây, các thương nhân Trung Quốc đề nghị bơm 10% tạp chất, thì nay tỷ lệ này đã được nâng lên thành 20%, dù hàng sẽ được xuất về nước họ. Nguy hiểm nhất, khi các chủ vựa Việt Nam đã xem họ là thân tình, thì họ đến tận vựa ung dung quay phim chuyện các công nhân Việt Nam đang bơm tạp chất! Mục đích làm gì, chỉ có họ mới biết!
Trong khi nhiều nhà máy của Việt Nam đang tích cực tham gia chương trình chống nạn bơm tạp chất, các thương nhân Trung Quốc lại... khuyến khích việc làm này. Theo tìm hiểu của một doanh nghiệp thủy sản ở ĐBSCL, những con tôm này được mang về Trung Quốc, sau đó bán ra dưới dạng đã chiên chín nên người tiêu dùng khó lòng phát hiện tạp chất...
Do lợi nhuận thu được cao, nhiều người miền Tây vẫn hăng hái làm đại lý và bơm tạp chất cho các thương nhân Trung Quốc. Chính vì điều này, đại diện 1 doanh nghiệp thủy sản ở Cà Mau từng đề nghị các cơ quan chức năng xem xét, bởi ngoài vấn đề gian lận thương mại, vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm, phải chăng hành vi của các thương nhân Trung Quốc còn phá hoại nền kinh tế ở một mức độ sâu xa hơn?
Trước đây, phía các thương nhân Trung Quốc yêu cầu bơm Agar, nhưng giờ lại chuyển qua bơm tạp chất CMC! Khi đã quen tay “làm bậy” cho các thương nhân Trung Quốc, nên giờ khi bán tôm cho người tiêu dùng nội địa, họ cũng thẳng tay bơm tạp chất CMC vào để tăng trọng, kiếm lãi thêm.
Những năm trước, nhiều cơ sở hám lợi thường bơm rau cau, tinh bột galetin vào trong tôm. Nhưng thời gian gần đây, đại đa số đều chuyển sang dùng chất hóa học CMC vì rẻ, tiện dụng. Với 1 bao 25kg CMC, người ta có thể dùng cho hơn 8 tấn tôm.
Theo 1 kỹ sư hóa, CMC dùng cho thực phẩm hoàn toàn không gây tác hại và cũng không bổ dưỡng gì. Tuy nhiên, CMC ngoài loại dùng cho thực phẩm còn có dạng dùng trong công nghiệp. Loại này rẻ hơn CMC thực phẩm rất nhiều. Loại này sản xuất không cần kiểm soát gắt gao các chất độc hại nên có thể chứa hàm lượng kim loại rất lớn, thường được dùng trong nước sơn, chất tẩy rửa, dệt may và chất giặt rửa… Dùng CMC công nghiệp bơm vào tôm rất nguy hiểm cho người tiêu dùng.
Theo TT&ĐS/ Tuổi trẻ thủ đô

Có thể bạn quan tâm?

Thời cuộc 24h 3608482419581759

Đăng nhận xét

emo-but-icon

Tin nóng

Tin cập nhật

Like Fanpage

item