Facebook và sự hung hãn
http://www.scandal24h.net/2016/05/facebook-va-su-hung-han.html
Sau thông tin và những bức ảnh được một facebook đăng về việc NSND Lan Hương “bỏ cuộc” không đi Trường Sa vì không có phòng riêng trên tàu; dù chưa biết thực hư thế nào, hàng trăm bình luận được đăng lên, hàng trăm Facebooker chia sẻ thông tin với những lời phê phán, lên án, cho rằng NSND làm thế là vì “chảnh”, vì không yêu Tổ quốc…
ảnh minh họa |
1.Và chỉ đến sáng 8/5, sau những chia sẻ của bản thân NSND và những người trong gia đình, sau khi một loạt báo chí lên tiếng đăng tải những bài phỏng vấn với nữ NSND Lan Hương thì câu chuyện mới tạm lắng xuống. Những thông tin đăng tải được gỡ, những bình luận dừng lại.
Và ai biết NSND này đều biết chị bị bệnh hen rất nặng, nên việc xuống tàu và thấy bị ngộp thở, sợ nằm lăn quay thì muôn sự rắc rối đổ xuống cho cả đoàn, chấp nhận phải đi về một mình thế; là sự lựa chọn bắt buộc, đúng là lo thân mình, nhưng cũng là sợ ảnh hưởng đến tình hình chung, chứ không thể nói một cách hồn nhiên là coi thường bộ đội, chiến sĩ đồng bào.
Khi quyết định đi Trường Sa, NSND đã xác định sẽ nằm bẹp trên tàu và cũng chuẩn bị nhiều thuốc làm hành trang. Khi phải đi về, hơn ai hết, NSND sẽ buồn, tiếc và cả bất lực vì chính sức khỏe của mình hơn là sự tiếc rẻ của bà con xung quanh cho cái sự nửa đường đứt chuyến.
Nên đừng nói người ta bỏ về vì không yêu nước, không đi ra đảo để động viên tinh thần chiến sĩ. Thậm chí họ đòi tước danh hiệu NSND của chị.
Khi hung hãn “ném đá” vào người nghệ sỹ yếu mềm ấy, người ta quên rằng chị đã trên 50 tuổi, chị chưa hẳn già nhưng cũng không còn ở tuổi trẻ, và nhiều gian khổ chị cũng đã đi qua rồi chứ đâu phải là sang chảnh…
Thế rồi, cũng trên mạng xã hội, những người từng may mắn được ra Trường Sa lần lượt công tâm lên tiếng chia sẻ và thông cảm với quyết định này của Lan Hương. Một nhà báo từng 4 lần có dịp ra đây khẳng định anh từng chứng kiến nhiều nam giới khỏe mạnh hơn Lan Hương gấp bội mà mới đi được hơn chục hải lý đã xin vào, có người còn định nhảy xuống biển vì không thể chịu nổi những cơn say sóng.
Một người khác cũng từng ra Trường Sa chia sẻ, lần ông tham gia chuyến đi này, có một người trong đoàn bị bệnh tiểu đường nhưng tới nửa đường thì hết thuốc mang theo nên rơi vào trạng thái mê man khiến cả tàu cuống cuồng, may mà tới một đảo thì gặp được một trực thăng sắp bay vào đất liền nên người này được chở vào cấp cứu.
Đương nhiên, chỉ một “ca” thế này cũng khiến cả chuyến đi trở nên bất an nên những người có sức khỏe không tốt luôn được khuyên là không nên đi mà ảnh hưởng đến tính mạng của mình lẫn sự an toàn của cả cuộc hành trình.
Có thể nói, rất nhiều vụ việc gần đây khiến người ta thấy sợ hãi với mạng facebook. Một sự kiện được đưa lên, không cần biết thực hư ra sao, không cần biết quá trình thế nào, “chém” trước đã, tung quan điểm một cách điên cuồng trước đã; rồi mới tính; bất chấp việc mình “chém” mang lại hậu quả gì cho đối tượng bị “chém”.
2.Trước đó, nhiều vụ việc đã dẫn đến cái kết đau đớn. Cách đây không lâu, một nữ sinh lớp 12 của Trường THPT ở Thạch Thất (Hà Nội) đã bị bạn cùng lớp ghép ảnh chân dung vào ảnh một cô gái mặc áo cổ rộng rồi đăng lên facebook.
Các thành viên trên mạng đã vào giễu cợt, thậm chí miệt thị, khiến nữ sinh này uất ức tự tìm đến cái chết. Trách nhiệm pháp lý của chủ các fanpage này đến đâu?
Theo Luật sư Phạm Văn Phất, Trưởng Văn phòng Luật sư An Phát Phạm (Đoàn Luật sư TP Hà Nội): “Quy định pháp lý về hoạt động của mạng xã hội đã có.
Tuy nhiên, thói quen bảo vệ quyền dân sự của cá nhân, ví dụ quyền tự do về hình ảnh... với người dân Việt Nam nói chung chưa được bảo vệ tốt. Hành lang pháp lý cũng chưa theo kịp.
Thế nên, khi thông tin thất thiệt được chia sẻ tràn lan trên các trang mạng xã hội như diễn đàn, facebook thì thiệt hại về tinh thần, tài sản cũng không dễ đo đếm”.
Dưới góc nhìn xã hội, TS. Trịnh Hòa Bình, Giám đốc Trung tâm Điều tra dư luận xã hội (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) chia sẻ: “Đúng là, một cá nhân thì không thể hình dung được sức mạnh của cộng đồng mạng với những bài, câu nói của họ trên mạng xã hội. Dù là hòn đá, có ném vu vơ nhưng trúng một ai đó thì người ném vẫn phải chịu trách nhiệm”.
Và những nạn nhân bị “tai bay vạ gió”, họ cũng không thể quên những gáo nước lạnh đã hắt vào mình một cách đầy ác ý, của những người có khi cũng không biết họ là ai, nhưng đơn giản là lên án họ, mạt sát họ, thậm chí khinh thường họ. Vậy nên facebook không phải là thế giới ảo, mà chính là cuộc sống.
Và, những mạt sát, ác ý, dù có bị gỡ xuống, dù có hết ồn ào thì không thể coi như chưa từng gây ra cho các nạn nhân những đau khổ, tổn thương. Không hiểu cái tâm của họ, văn hóa của họ “ở đâu”?…
Miên Thảo/PL