Tháp Bánh Ít: Nét đẹp kiến trúc Chăm ít người biết
http://www.scandal24h.net/2016/05/thap-banh-it-net-dep-kien-truc-cham-it-nguoi-biet.html
Tháp Bánh Ít còn có tên gọi là tháp Bạc là một cụm các tháp cổ Chăm Pa, hiện nay nằm trên một ngọn đồi tại thôn Đại Lộc, xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định. Kiến trúc tháp thuộc phong cách chuyển tiếp từ phong cách Mỹ Sơn A1 sang phong cách Bình Định.
Toàn bộ quần thể có tất cả 4 tháp, nằm trên một ngọn đồi thoai thoải cách mực nước biển chỉ chừng 100 mét. Nhìn từ xa, cụm tháp trông giống như bánh ít. Vì thế nên người dân địa phương gọi nơi đây là tháp Bánh Ít. Tháp được xây dựng vào thế kỷ thứ 10. Một nhóm tác giả người Anh đã đưa tháp Bánh Ít vào “1001 công trình kiến trúc mà bạn nhất định phải ghé thăm một lần trong đời”.
Tháp chính có kích thước lớn nhất và nằm ở vị trí trung tâm trên ngọn đồi, xung quanh là 3 tháp nhỏ, tạo thành một thế giới khác lạ mà lỡ lạc chân bước vào. Tháp chính cao chừng 20 mét, riêng phần cổng đi vào nhô ra bên ngoài thêm 2 mét, được trang trí khá công phu và đẹp mắt. Các bức phù điêu của tháp chính đều được tạc ở tư thế đang nhảy múa vô cùng sống động, thu hút.
Cạnh tháp chính là tháp yên ngựa, có chiều cao khoảng 12 mét, rộng 5 mét. Vì mái tháp cong như yên ngựa nên người dân cũng vì thế mà thành quen, gọi thành tên dân dã tự lúc nào chẳng biết. Điểm đặc biệt ở tháp yên ngựa chính là phần đế nhô ra so với phần thân, xung quanh được trang trí bằng nhiều hình tượng đang giơ tay lên đồng lòng cùng sức nâng tháp.
Nhìn về hướng Nam là ngọn tháp nhỏ hơn và cũng nằm thấp hơn tháp chính tầm 10 mét. Tháp có tận 4 cửa theo bốn hướng khác nhau để lấy linh khí của đất trời ở mọi thời điểm. Mái tháp được chạm trổ khá kỳ công và nhỏ dần về phía trên, nhìn từ xa, mái tháp tựa như những quả bầu nậm màu gạch cũ đã phai dần theo năm tháng.
Nằm ở vị trí thấp nhất là tháp cổng cách tháp chính 100 mét. Tháp cổng được trang trí khá đơn giản nhưng lại trông vô cùng khỏe khoắn, vững chãi. Vòm cổng có hình tựa như mũi lao đang hướng thẳng lên trời. Tháp có hai cửa nằm cùng một trục với tháp chính, hướng Đông – Tây để tạo nên sự hòa hợp về mặt kiến trúc.
Trong tháp có đặt bức tượng của thần Siva nổi tiếng bằng đá. Điểm sáng trong nghệ thuật chế tác xa xưa. Hình ảnh thần Siva ngồi trên tòa sen, lưng tựa vào phiến đá có dạng hình cung sẽ in mãi trong tâm trí của du khách. Dù tượng đã có nhiều phần bị vỡ, mất song giá trị vẫn vẹn nguyên như lúc đầu. Bên cạnh đó là rất nhiều hiện vật quý để du khách tham quan, khám phá.
Cũng như hầu hết các ngôi tháp Chăm khác ở nước ta, tháp Bánh Ít cũng có hướng chính quay về phía Đông. Vì thế nên khi ghé thăm, bạn có thể men theo con đường Đông Bắc từ phía cổng để đến ngọn đồi có quần thể tháp, chắc chắn sẽ có nhiều điều bất ngờ và thú vị đang chờ đón phía trước.
Người Bình Định có thể tự hào với du khách rằng, tháp Bánh Ít là di tích Chăm xưa cổ có lối kiến trúc đa dạng và phong phú nhất, mang đậm ảnh hưởng của nghệ thuật Cham-pa nhưng vẫn có nét gì đó rất riêng của mảnh đất võ. Tháp Bánh Ít nằm gần kề Quốc lộ 1A nên du khách hoàn toàn dễ dàng để di chuyển đến thăm trong hành trình du lịch Bình Định của mình.
Theo Tri Thức Trẻ