Venezuela bán vàng vì hết tiền

Nguồn vàng dự trữ của Venezuela giảm mạnh trong năm 2015, khi nước này cần tiền trả nợ và duy trì các chương trình phúc lợi.

Venezuela phải trả khoảng 15,8 tỷ USD nợ từ nay đến cuối năm 2016. Tuy nhiên, tài chính của họ đang cạn kiệt. Dự trữ ngoại hối chỉ còn 15,2 tỷ USD, thấp nhất từ năm 2003, và phần lớn lại bằng vàng. Chỉ có gần một tỷ USD là tiền mặt, CNN cho biết.
Tuy vậy, ngay cả dự trữ vàng của Venezuela cũng đang giảm rất nhanh. Hồi tháng 2, Chính phủ cho biết có 14 tỷ USD vàng. Đến tháng 5, con số này chỉ còn 11,7 tỷ USD, tương đương 70% tổng dự trữ. Và từ đó, họ chưa công bố thêm lần nào.
"Venezuela sẽ phải bán một phần vàng để trả nợ. Dự trữ tiền mặt của họ gần như bằng 0 rồi", Edward Glossop – nhà kinh tế học các thị trường mới nổi tại Capital Economics cho biết.
Phần lớn dự trữ ngoại hối của Venezuela là bằng vàng. Ảnh: Timeslive
Venezuela phụ thuộc rất lớn vào nguồn thu từ dầu mỏ, để thúc đẩy kinh tế và trả nợ. Vì vậy, khi giá dầu xuống thấp, nước này bị thất thu nghiêm trọng. Họ chẳng còn lựa chọn nào khác ngoài việc bán vàng dự trữ để trả nợ, các chuyên gia cho biết.
Giới phân tích nhận định dù có dự trữ dầu lớn nhất thế giới, Venezuela vẫn có thể trở thành nền kinh tế tệ nhất toàn cầu. Đồng bolivar nước này đang lao dốc, lạm phát trên 100% và các nhu yếu phẩm nhập khẩu như giấy vệ sinh cũng thiếu thốn. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo kinh tế Venezuela co lại 10% năm nay.
Trong khi đó, Chính phủ Venezuela vẫn tiếp tục tăng chi cho phúc lợi xã hội, trợ giá thực phẩm và cung cấp dịch vụ y tế miễn phí. Những chính sách này gần như không thể duy trì khi giá dầu lao dốc.
"Mấu chốt là việc chi tiêu này không bền vững, khi giá dầu dưới 50 USD. Họ cần phải kiềm chế", Win Thin – Giám đốc các thị trường mới nổi tại Brown Brothers Harriman cho biết. Thin dự báo Venezuela rồi sẽ phải giảm chi để tránh vỡ nợ. Tuy nhiên, ông cũng tiết lộ các thị trường tài chính đều đang nghiêng về khả năng nước này vỡ nợ.
Hiện tại, có 2 cách có thể cứu Venezuela. Một là giá dầu tăng, nhưng việc này khó xảy ra trong ngắn hạn. Hai là các đồng minh chính của nước này như Trung Quốc và Nga tình nguyện trả nợ thay. Tuy nhiên, chính Nga cũng đang gặp vấn đề về kinh tế, và có vẻ chẳng thể cứu được nước này. Trung Quốc thì năm ngoái đã hỗ trợ hàng tỷ USD rồi, và có thể tiếp tục cứu trợ nữa. Tuy nhiên, phụ thuộc vào Trung Quốc trong thời điểm nền kinh tế lớn nhì thế giới cũng đang chậm lại là điều khó bền vững.
Nhiều nhà phân tích thì cho rằng tình cảnh Venezuela hiện tại là hậu quả của quản lý kém. "Họ là Chính phủ kiểu gì mà đẩy một đất nước từ có dự trữ dầu lớn nhất thế giới đến bờ vực phá sản vậy", Russ Dallen tại hãng tư vấn đầu tư LatInvest than thở. LatInvest là một trong những công ty đang đổ tiền vào Venezuela.
Theo VNE

Có thể bạn quan tâm?

Thời cuộc 24h 1367966793168661698

Đăng nhận xét

emo-but-icon

Tin nóng

Tin cập nhật

Like Fanpage

item