Vòng chung khảo Hoa hậu VN khu vực phía nam: “Ém” quân chờ thời, không cho “gà” đi thi (?!)
http://www.scandal24h.net/2016/05/vong-chung-khao-hoa-hau-vn-khu-vuc-phia-nam-em-quan-cho-thoi-khong-cho-ga-di-thi.html
Trong năm 2016, có tới 4 cuộc thi nhan sắc: Hoa hậu (HH) Biển Việt Nam, Hoa khôi Áo dài Việt Nam, HH Bản sắc Việt toàn cầu và HH Việt Nam. HH Biển vừa mới kết thúc đầy tai tiếng, còn cuộc thi Hoa khôi Áo dài đã bước vào vòng trong, HH Bản sắc Việt toàn cầu đã qua vòng tuyển sinh. Chỉ còn HH Việt Nam chiêu sinh cuối cùng nên gặp cảnh phải “vét” cho ra nhan sắc mới. Nhiều người đặt dấu hỏi, phải chăng cuộc thi dần mất sức hút hay vì lý do gì mà các ông bầu “ém” quân chờ thời, không cho “gà” đi thi?
Có gương mặt cũ cũng đã là mừng
Trong tình cảnh thiếu hụt thí sinh, thì không đòi hỏi những thí sinh sáng giá và là gương mặt mới, mà sự xuất hiện của một số gương mặt cũ cũng đã là mừng. Những gương mặt quen thuộc có thể kể đến Hoa khôi ĐBSCL Nam Em, HH Áo dài biển Dương Kim Ánh, Hoa khôi sinh viên Cần Thơ Nguyễn Thùy Trang… Trong đó người quen mặt nhất, miệt mài thi các cuộc thi sắc đẹp là Hoa khôi Nam Em - người được gọi là “bản sao” của HH Đặng Thu Thảo, từng tham gia cuộc thi HH Hoàn vũ 2015 và chỉ lọt vào top 10. Lần này, cô lại ghi danh, để “phục thù” cho đợt thi năm 2014 HH Việt Nam - nơi cô phải dừng ở top 38.
Trước đây, việc nhiều gương mặt cũ thi thố hết cuộc thi này đến cuộc thi khác là điều không đáng khích lệ, còn hiện tại, lại là yếu tố “tích cực”. Phải chăng có sự “hoán đổi” nào đó giữa các cuộc thi, nhất là khi HH Việt Nam không còn được cử thí sinh đăng quang ra đấu trường quốc tế, trong khi Hoa khôi Áo dài Việt Nam lại nắm giữ bản quyền 3 cuộc thi nhan sắc lớn của thế giới?
Vòng sơ khảo sẽ diễn ra đầu tháng 6 và vòng chung khảo diễn ra từ 6-12.6. 30 thí sinh lọt vào vòng chung khảo sẽ tham gia các hoạt động xã hội - từ thiện, được ban tổ chức rèn luyện kỹ năng trình diễn, tạo dáng trên sân khấu với những chuyên gia hàng đầu. Và 20 gương mặt xuất sắc nhất sẽ lọt vào vòng chung kết diễn ra trung tuần tháng 8 tại TPHCM.
Đêm chung khảo phía Nam diễn ra tại Nhà hát Hòa Bình, dự kiến được truyền hình trực tiếp trên VTV9 và tiếp sóng trên các đài Cần Thơ, Gia Lai, Đồng Nai, Kiên Giang, Lâm Đồng, Bạc Liêu, Hà Nội 1, Hải Phòng 1, Quảng Ninh, Tây Ninh… Tương tự, vòng chung khảo phía Bắc cũng được trực tiếp trên VTV9. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử cuộc thi HH Việt Nam, các đêm chung khảo khu vực đều được truyền hình trực tiếp. Tổng cộng 40 gương mặt xuất sắc nhất hai miền sẽ lọt vào vòng chung kết toàn quốc diễn ra trung tuần tháng 8 tại TPHCM. Điều này cũng dễ hiểu vì cuộc thi Hoa khôi Áo dài Việt Nam được trực tiếp 12 đêm theo phiên bản truyền hình thực tế. Nếu không theo kịp, cuộc thi HH Việt Nam sẽ “đành làm người đến sau”.
Ngoài ra, trong xu thế hội nhập, BTC cuộc thi cũng mời một số nghệ sĩ, người đẹp nổi tiếng trên thế giới biểu diễn hoặc có mặt tại một số sự kiện của cuộc thi. Một trong số đó là Hoa hậu Pháp 2014 Flora Coquerel. Lần đầu tiên sang Việt Nam này, Flora cho biết, cô cảm thấy háo hức khi tham gia họp báo chung khảo phía Nam của Hoa hậu Việt Nam. Từng có dịp tiếp xúc với đại diện Việt Nam ở các đấu trường nhan sắc thế giới, Flora bày tỏ tình cảm trước vẻ đẹp duyên dáng nhưng không kém phần hiện đại của người phụ nữ Việt Nam. Cô cũng hy vọng có cơ hội tìm hiểu hơn về con người và đất nước Việt Nam trong chuyến thăm này.
“Hoa hậu nhân ái” có “đè bẹp” scandal?
Trước sức ép cạnh tranh với 3 cuộc thi nhan sắc được tổ chức gần như cùng lúc, năm nay, BTC HH Việt Nam buộc phải thay đổi ít nhiều nội dung và cách thức thi. Đầu tiên là thay đổi thành phần ban giám khảo. Tại buổi họp báo tối 24.5, Ban tổ chức công bố năm 2016, nhà sử học Dương Trung Quốc sẽ làm Trưởng ban giám khảo bên cạnh NSND Hà Thế Dũng - Hiệu trưởng Trường múa TPHCM, nhiếp ảnh gia Phạm Hoài Nam và HH Đặng Thu Thảo.
Không chỉ nhan sắc ngày càng khan hiếm, mà việc tìm cho ra người đẹp không gắn với scandal lại càng khó hơn. Chính vì thế, năm nay, Ban tổ chức đưa ra giải thưởng mới - HH Nhân ái để tôn vinh những thí sinh có đóng góp cho cộng đồng, xã hội. Đây cũng là điểm khác biệt của cuộc thi so với các mùa trước. Cụ thể, những dự án có ý nghĩa xã hội và nhân văn cao được đầu tư lớn và thiết kế riêng nhằm giúp thí sinh có cơ hội thể hiện những phẩm chất của mình như dự án Người đẹp nhân ái (dự án từ thiện, vì cộng đồng), dự án Người đẹp truyền thông (quay video clip quảng bá du lịch, văn hóa, lịch sử của Sài Gòn hoặc địa phương khác theo nguyện vọng của từng thí sinh)…
Tổng giá trị các dự án nhân ái của cuộc thi HH Việt Nam lên tới 5-7 tỉ đồng. Mỗi thí sinh bước vào vòng chung kết, dưới sự giúp đỡ của Ban tổ chức, sẽ phải tự mình thực hiện một dự án truyền thông, có thể là giới thiệu về quê hương đất nước, về một mảnh đất nào đó hay về ẩm thực, văn hóa… Thí sinh đoạt giải Người đẹp truyền thông mặc nhiên bước vào top 5 cuộc thi. “Năm nay, tôi rất tán thành khi Ban tổ chức đưa ra các điểm mới để thí sinh phải sáng tạo, có thêm nhiều sáng kiến đóng góp cho cộng đồng” - Trưởng ban giám khảo Dương Trung Quốc cho biết.
Theo Lao động