Xe máy sẽ phải kiểm định khí thải định kỳ

Điểm mới của dự thảo Luật Giao thông đường bộ sửa đổi là bổ sung quy định kiểm tra định kỳ khí thải đối với xe máy tham gia giao thông.

Xe máy sẽ phải kiểm định khí thải định kỳ - 1



Dự thảo Luật GTĐB sửa đổi quy định kiểm tra định kỳ khí thải đối với xe máy tham gia giao thông
Dự thảo Luật Giao thông đường bộ (GTĐB) sửa đổi quy định, mô tô, xe gắn máy (gọi chung là xe máy) nằm trong nhóm phương tiện giao thông cơ giới đường bộ. Điểm mới của dự thảo là bổ sung quy định kiểm tra định kỳ khí thải đối với xe máy tham gia giao thông nhằm tăng hiệu quả bảo vệ môi trường.
Kiểm tra định kỳ khí thải đối với xe máy
Cụ thể, mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông phải được kiểm tra định kỳ về phát thải khí thải. Việc tổ chức kiểm định, kiểm tra định kỳ khí thải xe mô tô, xe gắn máy do cơ quan đăng kiểm thực hiện. Bộ trưởng Bộ GTVT quy định về trình tự, thủ tục, nội dung kiểm định, kiểm tra định kỳ về khí thải xe mô tô, xe gắn máy.
Đại diện Cục Đăng kiểm VN cho biết, khí thải xe máy là nguồn gây ô nhiễm không khí đáng kể, nhất là tại các đô thị lớn, khu vực tập trung đông xe máy. Tuy nhiên, việc kiểm soát khí thải đến nay mới kiểm soát đối với “đầu vào” là xe sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới.
Từ năm 2007, xe máy sản xuất mới phải đạt mức tương ứng tiêu chuẩn khí thải Euro 2 mới được bán ra thị trường; từ năm 2017, phải đạt tiêu chuẩn tương ứng mức Euro 3. Việc nâng tiêu chuẩn xe sản xuất, nhập khẩu từ Euro2 lên Euro3 giúp nâng cao chất lượng động cơ, hạn chế thành phần chất gây ô nhiễm có trong khí thải xe máy. Tuy vậy, số lượng xe máy gia tăng nhanh chóng dẫn đến tổng lượng phát thải tăng, trong khi bất cập là luật chưa quy định về kiểm tra khí thải đối với xe đang lưu hành nên mức độ gây ô nhiễm tăng hơn từ loại xe cũ nát, chất lượng kém.
Tìm hiểu của PV Báo Giao thông, từ giữa tháng 5/2020, Sở GTVT TP HCM phối hợp với Hiệp hội Các nhà sản xuất xe máy Việt Nam triển khai chương trình nghiên cứu thí điểm kiểm tra khí thải xe máy đang lưu hành. Việc kiểm tra được thực hiện tại các đại lý xe máy. Kết quả cho thấy, có thời điểm 30% lượng xe có ngưỡng phát thải quá tiêu chuẩn TCVN 6438 mức 1 (mức thấp nhất của tiêu chuẩn khí thải).
Loại xe có niên hạn sử dụng trên 5 năm, nếu không bảo dưỡng thường xuyên, lượng khí CO phần lớn vượt gấp 2 lần tiêu chuẩn. Sau khi các xe này bảo dưỡng, lượng khí CO trong khí thải giảm rất nhiều. Đối với các đời xe sử dụng phun xăng điện tử hoạt động trên 5 năm, đa số vẫn nằm trong tiêu chuẩn khí thải.
“Toàn quốc hiện có khoảng hơn 50 triệu xe máy đang lưu hành, chiếm đến 95% số lượng xe cơ giới và thải ra 80 - 90% khí CO, HC, 50% lượng NOx trong tổng lượng phát thải xe cơ giới. Các đô thị lớn như Hà Nội và TP HCM có lượng xe máy tập trung đông, chiếm khoảng 1/4 lượng xe cả nước và có mức gây ô nhiễm từ xe máy khá cao”, ông Đặng Trần Khanh, Phó phòng Kiểm định xe cơ giới Cục Đăng kiểm VN cho biết.
Cũng theo ông Khanh, năm 2010, Thủ tướng phê duyệt đề án kiểm soát khí thải xe mô tô, xe gắn máy đang lưu hành, trong đó mục tiêu là áp dụng trước tại các đô thị đặc biệt, loại 1 và loại 2. Cục Đăng kiểm VN nhiều lần trình phương án triển khai cụ thể, song vướng mắc là Luật GTĐB không quy định nên phải chờ. “Cách đây vài năm, một số địa phương như: Hà Nội, TP HCM từng kiến nghị Bộ GTVT hướng dẫn việc kiểm soát khí thải xe máy đang lưu hành, song việc này phải chờ được quy định trong Luật GTĐB sửa đổi”, ông Khanh thông tin.
Phân nhóm để có chế tài xử phạt
Cũng theo ông Đặng Trần Khanh, việc quy định kiểm tra định kỳ khí thải xe máy trong Luật GTĐB để tạo cơ sở pháp lý và sẽ được cụ thể hóa bằng quy định của Chính phủ về tiêu chuẩn khí thải, cách thức tổ chức kiểm tra. Từ nghiên cứu trước đây và kinh nghiệm của một số nước cho thấy, việc tổ chức kiểm tra định kỳ khí thải nên được tổ chức theo hướng xã hội hóa.
“Công nghệ, chất lượng xe máy sản xuất mới ngày càng được nâng lên, xe máy cũ dần được thay thế bằng xe mới. Có thể kiểm soát bằng cách nâng tiêu chuẩn khí thải và quản lý chặt đối với xe sản xuất mới. Đối với xe tham gia giao thông, khi có biểu hiện rõ ràng về vi phạm tiêu chuẩn khí thải sẽ kiểm tra, xử phạt hành chính. Điều này nhằm tác động, khuyến khích người dân kiểm tra chất lượng khí thải khi đưa xe đi bảo dưỡng, sửa chữa; còn cơ sở sửa chữa xe đầu tư, thực hiện dịch vụ đo chất lượng khí thải".
Ông Khương Kim Tạo
Chẳng hạn, các cơ sở bảo dưỡng sửa chữa xe, đại lý xe máy của hãng sản xuất, trung tâm đăng kiểm ô tô… có thể tham gia vào việc kiểm định khí thải xe máy. Còn cơ quan quản lý Nhà nước ở trung ương, địa phương thực hiện quản lý, giám sát hoạt động của cơ sở kiểm định, cấp chứng nhận khí thải.
“Không phải tất cả xe máy đều phải kiểm tra khí thải định kỳ. Xe mới sử dụng được vài năm không nên kiểm tra. Đối tượng chủ yếu hướng đến quản lý là xe máy chất lượng kém, cũ nát”, lãnh đạo Phòng Kiểm định xe cơ giới cho biết.
Đồng tình với việc bổ sung vào dự thảo Luật GTĐB sửa đổi quy định việc kiểm tra kiểm định kỳ khí thải xe máy, ông Dương Văn Chú, nguyên Giám đốc trung tâm đăng kiểm tại Bắc Kạn cho rằng, nên có lộ trình và áp dụng trước đối với các đô thị lớn. Bên cạnh đó, cần giám sát, quản lý chặt chất lượng kiểm định của các đơn vị được tham gia kiểm định khí thải để mang lại hiệu quả thực tế.
Ông Khương Kim Tạo, nguyên Phó Chánh văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia cho rằng, Luật GTĐB nên quy định khung về kiểm soát khí thải đối với xe máy. “Việc giám sát chất lượng kiểm định sẽ rất phức tạp, vì vậy, thay vì cơ chế kiểm định định kỳ khí thải như ô tô, chỉ nên quy định chế tài xử phạt, khi xe có biểu hiện rõ ràng như khói đen, cũ nát… sẽ bị kiểm tra, xử phạt hành chính”, ông Tạo nói.

Có thể bạn quan tâm?

Thời cuộc 24h 2915651562362721416

Đăng nhận xét

emo-but-icon

Tin nóng

Tin cập nhật

Like Fanpage

item