"Mày là ai mà dám mời tao diễn?"
https://www.scandal24h.net/2016/05/may-la-ai-ma-dam-moi-tao-dien.html
Để được khán giả biết tới và yêu mến, hầu như nghệ sĩ nào cũng từng phải trải qua những ngày tháng cơ cực, thậm chí bị người ta dè bỉu, coi thường, trù dập tan nát…
Nỗ lực vượt qua những trò ma của bạn diễn
Đạo diễn Đỗ Đức Thịnh kể, người trong giới nghệ sĩ có những trò vặt vãnh để nổi bật, lấn át bạn diễn trên sân khấu. Thường phải là những người có kinh nghiệm hoặc tinh ý mới phát hiện ra những chiêu trò này.
"Ví dụ, hôm nay miếng hài của mình rất là ok. Người kia thấy mình không nổi bật bằng, ngay suất sau họ thay đổi, họ diễn kiểu khác vậy là mình bị chột.
Trên sân khấu, chỉ cần một tiếng ho thôi, khán giả sẽ theo phản ứng nhìn qua bên này. Ngay thời điểm bạn diễn tung miếng ra đã bị phân tâm vì tiếng ho đó", đạo diễn Đỗ Đức Thịnh nói.
Những ai hay xem Chí Tài diễn có lẽ đều biết, khi đóng với nghệ sĩ nào, anh thường trở thành "công cụ" để bạn diễn chọc cười khán giả hoặc bung miếng. Không ít người cho rằng, Chí Tài thường làm "nền" và "phụ họa" để bạn diễn nổi bật hơn.
Diễn viên khác chắc sẽ chẳng bao giờ chịu như vậy nhưng Chí Tài có một suy nghĩ rất khác. Anh bảo "nếu họ có lấy nhược điểm của anh để bung miếng cũng không sao. Cũng có người nói anh phụ họa cho người này, người kia nhưng anh nghĩ là ở đâu cũng có người phụ người chính.
Miễn sao tiểu phẩm đó hay, vở diễn đó hay là được rồi".
Kể về những chiêu trò của giới nghệ sĩ, Chí Tài nói: "Nghệ sĩ Việt Nam ngộ lắm. Lên sân khấu là muốn mình phải hơn cô A, anh B, phải dập tan nát bạn diễn mới chịu".
Chí Tài sẵn sàng làm nền cho người khác nổi bật hơn. Anh cũng khẳng định, trong giới nghệ sĩ Việt Nam không phải ai cũng nghĩ và làm được điều đó.
Theo lời danh hài, sở dĩ những nhóm nhạc, nhóm kịch tan rã là bởi ai cũng có cái tôi quá lớn. Anh từng chứng kiến không ít lần diễn viên phàn nàn với đạo diễn, nhà sản xuất rằng "Sao vai này của tôi nói ít vậy"? "Tôi không muốn nói ít hơn cô này, anh kia..."
Thậm chí đã có chuyện một nghệ sĩ vì sự ích kỷ đó mà làm hỏng cả vở diễn đến mức sau này các nhà sản xuất, bầu show không dám mời người đó diễn nữa.
Đó là chưa kể đến chuyện bêu riếu nhau sau lưng. Rất nhiều nghệ sĩ là nạn nhân của sự hiềm khích như thế.
Đạo diễn Đức Thịnh bảo, chẳng nghệ sĩ nào muốn mình có đối thủ để cạnh tranh phòng vé. Ai cũng muốn mình là lựa chọn số 1 của nhà sản xuất, của đạo diễn khi có phim mới, dự án mới.
Thế nên, chuyện nghệ sĩ A nâng đỡ nghệ sĩ B là chuyện cực hiếm trong giới showbiz. Đàn anh tha không chặn đường làm ăn của đàn em đã được coi là... tốt lắm rồi.
Chỉ với nhiêu đó chiêu trò của người trong giới đã đủ để là rào cản cao ngập đầu đối với bất kỳ nghệ sĩ nào muốn nổi lên trên số đông những người làm nghề.
"Mày là ai mà dám mời tao diễn"?
Đạo diễn Đức Thịnh chia sẻ: "Nghề này ngộ lắm, qua một vở diễn thành công, thay đổi hết. Nó giống như cánh cửa ấy, anh đã bước qua được là được. Anh còn đứng bên kia, mọi thứ đều khác…".
Hồi mới bước chân vào con đường làm đạo diễn, Đức Thịnh từng có những ngày cầm kịch bản chạy hết sân khấu này đến sân khấu kia để xin dựng vở.
Thời điểm đó, Đức Thịnh đang là một diễn viên nổi tiếng chuyên đóng cặp với Thái Hòa. Nhưng vì anh là "người mới" trên con đường đạo diễn nên chẳng ai chịu tiếp anh.
Khó khăn lắm anh mới được dựng vở. Đến khâu mời diễn viên, nhiều người cũng bảo "Mày là ai mà dám mời tao diễn"? Thậm chí, lúc đang dựng vở rồi vẫn có người nhìn anh bằng ánh mắt coi thường.
Để trở thành danh, nghệ sĩ đã phải vượt qua rất nhiều khó khăn mà không phải ai cũng biết.
Nhưng chính những điều đó lại là động lực để Đức Thịnh cố gắng. Anh thầm nhủ, mình phải chứng minh cho họ thấy, mình làm được.
Và quả thực, sau thành công của vở diễn "Người đàn ông của trời" mà anh là tác giả kiêm đạo diễn ở sân khấu 5B, người ta nhìn anh bằng một con mắt khác.
Trước khi trở thành một tên tuổi được yêu mến như hiện nay, Trường Giang cũng từng rất hoang mang với sự lựa chọn của mình.
Ngay từ khi còn ngồi học trong trường Đại học Sân khấu điện ảnh TPHCM, không ít đêm anh về phòng ôm gối khóc rưng rức.
Thầy cô đều nghĩ rằng anh đã chọn nhầm nghề vì Trường Giang vừa xấu vừa lùn, vừa nói giọng khó nghe, vừa... không có năng khiếu nghệ thuật.
Những ngày mới ra trường, Trường Giang cũng phải làm đủ nghề để sống, cho tới khi gặp được cố nghệ sĩ Hữu Lộc.
Được về diễn ở sân khấu Nụ Cười Mới đã là một duyên may với Trường Giang. Nhưng những suất diễn đầu tiên, Trường Giang cũng phải đóng toàn mấy vai linh tinh như chạy lên đưa đồ rồi xuống liền.
Tới khi năng khiếu của anh được Hoài Linh phát hiện và nâng đỡ, Trường Giang mới bắt đầu những vai nho nhỏ, có chút đất diễn trên sân khấu hơn. Rồi dần dần Trường Giang mới được giao vai chính.
Trường Giang chỉ thực sự được "phát hiện" từ vai Mười Khó. Sau đêm diễn thành công ấy, Trường Giang chính thức bước qua được cánh cửa để đến với công chúng như ngày hôm nay.
Thực tế, trong giới nghệ sĩ, có rất nhiều những Đức Thịnh, những Trường Giang như thế. Họ phải nỗ lực bằng cả đam mê để bước qua được cánh cửa không dễ dàng mở ra kia.
Theo Tri thức trẻ