Mỹ Linh và Phan Anh - Xót xa quá trời ơi!
https://www.scandal24h.net/2016/05/my-linh-va-phan-anh-xot-xa-qua-troi-oi.html
Hai sự kiện gây tranh cãi nhất trong thời gian này chính là việc 1 diva như Mỹ Linh "dám" hát Quốc ca với kiểu cách mới và MC Phan Anh "vật vã" tranh luận trong chương trình "60 phút mở" để bảo vệ quan điểm của mình.
Mỹ Linh và Phan Anh khiến dư luận xôn xao thời gian gần đây
Mỹ Linh “hát sai” quốc ca, cộng đồng mạng nói vậy, giới chuyên môn cũng có người nói vậy, trừ người trong ê-kíp của chị, như anh bạn thân Huy Tuấn nói cách hát đó không sai. Rồi Mỹ Linh đứng lên xin lỗi dư luận, khẩn thiết nhất có thể, cầu thị nhất có thể, thậm chí là nhún nhường nhất có thể.
Nhưng dường như, dư luận chưa buông tha chị. Bằng chứng là cho tới ngày hôm nay, vẫn còn đâu đó những bài báo với nhiều quan điểm và lập trường xung quanh vấn đề này. Người thì viện dẫn, nhắc nhớ lại việc chị hát sai lời từ vài năm trước, và nói chị từng thanh minh bị “quạt trần rơi vào đầu”, như một cách để mỉa mai chị đã không dám nhìn thẳng vào sai lầm của mình.
Mỹ Linh đã bị lên án rất nhiều sau “sự cố” hát Quốc ca trước Tổng thống Obama.
Nhưng lại có người như anh Đàm thì bênh vực khi nói rằng, phá cách có khi cũng cần thiết trong hoạt động nghệ thuật. Bản thân anh luôn là người sáng tạo, và không thích sự cũ kỹ, dù anh cũng thừa nhận, không phải lần nào phá cách cũng thành công. Có vẻ như ẩn ý của Mr. Đàm chính là ủng hộ người đồng nghiệp của mình. Bằng chứng, anh cũng liệt kê vài lần bị dư luận phản đối khi phá cách như là lời động viên Mỹ Linh, rằng chị đừng sợ, bởi sự sáng tạo không phải lúc nào người ta cũng hiểu và lắng nghe.
“Tôi luôn có sự lựa chọn chừng mực và khá am hiểu tâm lý khán giả. Nhưng dĩ nhiên những người không ưa mình thì dù mình có tròn trịa cách mấy họ cũng cho là méo.
Tôi đã từng làm một bản hòa âm rất mạnh mẽ và đầy kịch tính cho một tác phẩm của ngài Trịnh Công Sơn - những người yêu nhạc của ông dĩ nhiên là khó chịu nhưng sau đó có ca sĩ còn làm nặng nề hơn tôi.
Có lẽ họ không quen đón nhận những cái mới thì họ có quyền mà. Cũng như tôi có quyền làm những gì tôi thấy hợp lý đối với tôi mà thôi. Dĩ nhiên tôi sẽ chịu trách nhiệm với những quyết định của mình. Họ cứ việc không thích theo kiểu họ”.
Sự kiện MC Phan Anh xuất hiện trong chương trình 60 phút mở của đài VTV, với vấn đề được đặt ra là “Chia sẻ trên mạng xã hội để làm gì?”. Sau sự kiện, anh từng chia sẻ clip thí nghiệm cá chết do đài VTC thực hiện cách đây không lâu.
Talk show này đã mời Phan Anh xuất hiện để trả lời câu hỏi chủ đề: “Chia sẻ trên mạng xã hội để làm gì?”, với cách đặt vấn đề, “Tại sao anh lại chia sẻ khi chưa biết sự thật là clip đó đúng hay sai, thực tế hay dàn dựng, khi mà sức ảnh hưởng của anh với xã hội và cộng đồng là rất lớn?”. Phan Anh phải đối mặt với 5 nhân vật còn lại, gồm MC Tạ Bích Loan đảm nhận vai trò dẫn dắt, cùng nhiều khách mời là nhà báo Hồng Thanh Quang, nhiếp ảnh gia Na Sơn, nhà báo Hoàng Minh Trí (biệt danh Cu Trí), chuyên gia tâm lý hành vi Phạm Mạnh Hà.
Phan Anh và ê-kíp trong chương trình. Trước làn sóng dư luận, rất có thể họ sẽ… xa nhau.
Chương trình sau khi lên sóng đã tạo cuộc tranh cãi đầy “phẫn nộ” trên mạng xã hội, người ta nói rằng, đó không phải Talk show Mở 60 phút, mà nó đúng hơn là Đóng và “đấu tố”, vì đã quá áp đặt lên suy nghĩ của người khác, ngăn cấm quyền tối thiểu đó là được nói lên suy nghĩ của mình. Người ta thậm chí còn cho rằng, việc MC Phan Anh thể hiện chính là “chủ nghĩa thích thể hiện quyền lực bản thân, đề cao giá trị bản thân”.
Chỉ một mình Phan Anh chống lại, anh bác bỏ quan điểm anh muốn trở thành anh hùng, mà cho rằng, hành động của anh chỉ đơn giản là được nói lên tiếng nói của mình, trước một vấn đề mà xã hội quan tâm.
Hai hình thái thể hiện, một người là sáng tạo nghệ thuật, thay đổi quan niệm của những thứ thuộc về chân lý. Rằng hát Quốc ca thì phải hùng hồn, chứ không phải hát theo kiểu “hồn tử sĩ”.
Một người thì bày tỏ nguyện vọng của bản thân khi coi đó là trách nhiệm công dân trước một vấn đề xã hội.
Khoan bàn chuyện đúng sai của hai nhân vật trên, động cơ vì sao họ hành động. Lý do vì sao họ lại thay đổi cái cũ bằng cái mới. Nhưng, cái cách mà sau đó họ phải đối mặt với dư luận, với xã hội mới đáng sợ làm sao.
Họ bị “ném đá” ngay sau khi thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân trước nhà nước. Họ bị “đấu tố”, sau ý thức trách nhiệm, rằng cần lên tiếng trước một hiện tượng của xã hội.
Lý do khiến họ trở thành “tội đồ” chỉ bởi, họ đã sáng tạo không đi lại lối mòn cũ. Chỉ bởi, họ dám nói thẳng quan điểm… Nhưng, những điều mà cả hai người thể hiện, đã không đúng với quan niệm của số đông, hay động chạm đến “quyền lực” của một nhóm người.
Nên câu hỏi đặt ra sau hai sự kiện của hai nhân vật này là. Thể hiện đi, rồi “ăn đủ”. Trong trường hợp này, liệu có xót xa không?
Theo Tuấn Khang (Saostar)