Những chiêu trò lừa đảo người dân theo mô hình đa cấp

"Núp" dưới hình thức huy động tiền trả lợi nhuận cao, lừa đảo người dân nhằm, trục lợi, thu lời bất chính...Đó là những chiêu trò mà một số tổ chức, cá nhân hay dùng để lừa đảo người dân.


Chị Mai Thị Oanh, ở thôn Mạc Xá, xã Minh Tân, huyện Nam Sách, là người đã tham gia làm hội viên của Công ty cổ phần du lịch Việt Nam tour AZ có trụ sở ở phố Bạch Năng Thi, thành phố Hải Dương và đã góp một số tiền lớn cho Công ty. Chị Oanh cho biết, chị được một người cùng xã giới thiệu làm hội viên của Công ty và ký kết các hợp đồng đóng tiền, hy vọng sau này sẽ có lãi cao.
Do thiếu thông tin và không hiểu biết về loại hình này cộng với những lời "đường mật" của những người tham gia trước, chị Oanh đã mua 27 mã số, mỗi mã 700.000 đồng. Tổng số tiền mà chị Oanh nộp cho Công ty cổ phần du lịch Việt Nam tour AZ là gần 19 triệu đồng. Số tiền này được nộp vào “Quỹ nối vòng tay lớn” của Công ty, về sau được đổi tên thành “Chương trình chung tay tích lũy du lịch cộng đồng” với lời hứa hẹn sẽ thu được số tiền lớn sau 1 năm.
Nhưng sau khi góp tiền, chị Oanh mới chỉ lấy lại được một phần số tiền này, phần còn lại hiện vẫn bị Công ty cổ phần du lịch Việt Nam tour AZ chiếm dụng. Gần đây nhất, ngày 17/5 là ngày đến hạn được trả tiền, chị Oanh sang gặp, đề nghị thanh toán thì đại diện Công ty thoái thác không trả với lý do không có thêm người nộp tiền vào chương trình nên không có tiền để trả.
Ông Đặng Văn Thanh, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Minh Tân, huyện Nam Sách, được Công ty mời tham gia hội viên và nộp tiền cho “Chương trình chung tay tích lũy du lịch cộng đồng”.
Sau khi được tư vấn, ông Thanh đã làm hợp đồng tham gia hội viên với số tiền là 1,5 triệu đồng. Phía Công ty chỉ giải thích mập mờ về những quyền lợi được hưởng như bảo hiểm tai nạn tới 60 triệu đồng/năm. Nhưng do ông Thanh đã quá tuổi nên chỉ tham gia mức 1,5 triệu đồng thì bảo hiểm phải chuyển sang tên của vợ ông. Thực tế, Công ty chỉ trích ra khoảng 100.000 đồng từ số tiền mà ông Thanh đã nộp để mua bảo hiểm tai nạn.
Sau khi nhận thấy cách thức làm việc của Công ty cổ phần du lịch Việt Nam tour AZ có nhiều dấu hiệu thiếu minh bạch, ông Thanh đã thông tin lại với UBND xã Minh Tân và vận động người dân không tham gia.
Trường hợp của chị Oanh và ông Thanh chỉ là hai trong số rất nhiều người tham gia góp tiền vào Công ty cổ phần du lịch Việt Nam tour AZ theo mô hình đa cấp. Với những người đã nộp cho công ty số tiền lớn như chị Oanh vẫn thường xuyên đến Công ty để đòi lại tiền, nhưng rất nhiều người đã nộp số tiền là 1,2 hay 1,5 triệu đồng thì ngại không muốn đòi.
Theo tìm hiểu của phóng viên, Công ty cổ phần du lịch Việt Nam tour AZ đăng ký kinh doanh với Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Dương, gồm các ngành nghề: Dịch vụ hỗ trợ liên quan đến quảng bá và tổ chức tour du lịch, điều hành tour du lịch, vận tải hành khách đường bộ trong nội thành và ngoại thành, vận tải hàng hóa đường bộ. Với các ngành nghề kinh doanh trên, Công ty này chỉ là một công ty du lịch nhưng để thu tiền, trục lợi và vẽ ra nhiều hình thức biến tướng như hoạt động đa cấp. Công ty đã nghĩ ra hình thức thu nạp hội viên để đi du lịch và mỗi hội viên phải đóng đủ phí sinh hoạt ít nhất là 12 tháng với mức 1,2 triệu đồng/tháng.
Với mức phí này, Công ty quy định hội viên phải trích 200.000 đồng/tháng để đưa vào chương trình du lịch và làm lệ phí hoạt động từ thiện, sau đó sẽ được tri ân và nhiều quyền lợi hấp dẫn. Còn với hội viên chỉ tham gia đóng tích lũy 1,2 triệu đồng/tháng tức là 14 triệu đồng/năm thì sau 12 tháng hội viên sẽ được hỗ trợ lại 18 triệu đồng; thậm chí tham gia ở mức cao hơn như đóng 6,5 triệu đồng và lôi kéo thêm được nhiều người tham gia thì mức tri ân còn lên tới nhiều tỷ đồng.
Nghịch lý là ở chỗ, để trở thành hội viên thì ngoài việc hàng tháng phải nộp tiền cho Công ty, người tham gia còn phải mời được 2 người nữa cùng tham gia. Khi có 2 người tham gia thì người giới thiệu sẽ được trích phần trăm thưởng. Đồng thời, ngay trong bản đăng ký hội viên của Công ty cổ phần du lịch Việt Nam tour AZ đưa ra (hay còn gọi là hợp đồng) đều có các quy định nhằm trốn tránh trách nhiệm và nghĩa vụ hoàn trả tiền cho người tham gia và đẩy phần thiệt về phía hội viên. Không những vậy, sau khi đã chính thức trở thành hội viên của cái gọi là "Chương trình chung tay tích lũy du lịch cộng đồng", hội viên phải có trách nhiệm trong vòng 60 ngày mời bằng được 2 hội viên cùng tham gia, nếu không sẽ bị mất quyền lợi!
Ông Vũ Tá Đồng, nguyên Trưởng thôn Mạc Xá, xã Minh Tân, cho biết: Trước những lời chào mời, ông cũng đóng gần 3 triệu đồng tham gia 2 mã để khảo nghiệm và thực tế đã chứng minh việc mời người dân tham gia nộp tiền vào "Chương trình chung tay tích lũy du lịch cộng đồng" của Công ty cổ phần du lịch Việt Nam tour AZ có những dấu hiệu lừa đảo. Ông Đồng cho biết thêm: Trong địa bàn thôn của ông cũng có một số người tham gia, thậm chí có người còn là cán bộ xã. Sau khi tham gia thì hầu như không ai lấy lại được tiền hoặc chỉ lấy lại được rất ít.
Ông Nguyễn Đức Tuyển, Chủ tịch UBND xã Minh Tân, huyện Nam Sách, cho biết: Trước đây, khi biết Công ty cổ phần du lịch Việt Nam tour AZ mở một hội thảo ngay tại hội trường của xã và cán bộ xã tham gia đóng tiền, ông Tuyển đã điện thoại cho đại diện của Công ty nhưng chỉ nhận được những câu trả lời quanh co. Ông Tuyển khẳng định, xã sẽ tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân để không tham gia những hoạt động mang hình thức đa cấp như trên.
Làm việc với lãnh đạo Công ty cổ phần du lịch Việt Nam tour AZ, bà Phạm Phương Thảo, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty và ông Nguyễn Xuân Thụy, Giám đốc Công ty liên tục đưa ra những giải thích nhằm biện hộ cho hành động của Công ty.
Ông Nguyễn Xuân Thụy khẳng định, Công ty đã dừng hoạt động huy động tiền này từ năm ngoái. Giải thích lý do tại sao không hoàn trả tiền cho người đã đóng tiền, ông Thụy nói là do họ vi phạm hợp đồng nên Công ty không chịu trách nhiệm. Khi được hỏi: "Tại sao mục đích đề ra là đóng quỹ để cho hội viên đi du lịch mà ai không đi thì không được trả lại tiền?" bà Thảo và ông Thụy cùng cho rằng: Công ty sẽ tổ chức nhiều tour và thông báo tới các hội viên để ai đi thì đăng ký và đã đóng tiền rồi thì phải đi du lịch chứ Công ty không trả lại tiền. Trong suốt cuộc trao đổi, cả bà Chủ tịch Hội đồng quản trị và ông Giám đốc luôn đưa ra những câu trả lời mâu thuẫn nhau, lúc thì thu tiền của người dân để kinh doanh trả lãi, lúc thì thu tiền để thành lập Hội đi du lịch... Bà Thảo cũng tự hào "khoe" hiện giờ riêng hội viên của Công ty ở Hải Dương đã có vài nghìn người.
Cũng theo Đăng ký kinh doanh của Công ty cổ phần du lịch Việt Nam tour AZ, Công ty này còn có chi nhánh ở Phú Thọ, Thái Bình, Vĩnh Phúc, Tuyên Quang, Thanh Hóa, Nghệ An. Với số lượng chi nhánh như trên thì không hiểu "hội viên" của Công ty này sẽ đông đến mức nào.
Không chỉ có Công ty cổ phần du lịch Việt Nam tour AZ với hình thức huy động tiền thu lợi bất chính, ở thành phố Hải Dương còn xuất hiện một mô hình "Câu lạc bộ từ thiện và an sinh xã hội Việt Nam, JSC" của Công ty cổ phần An sinh và phát triển cộng đồng Việt Nam có địa chỉ ở đường Ngô Quyền, thành phố Hải Dương. Câu lạc bộ này thu của mỗi hội viên từ khi vào là 1,6 triệu đồng. Hội viên sẽ được phát áo, mũ, đóng tiền hàng tháng và được hứa hẹn trả tiền với lãi suất cao, nhưng tất cả chỉ là những lời hứa. Hàng trăm người đã kéo đến Công ty để đòi tiền mình đã đầu tư...
Ông Nguyễn Trọng Tuệ, Giám đốc Sở Công Thương Hải Dương cho biết: Qua tài liệu mà các cơ quan báo chí cung cấp cho thấy các doanh nghiệp trên đã có dấu hiệu vi phạm. Sở Công Thương sẽ chỉ đạo các đơn vị như Thanh tra, Chi cục quản lý thị trường khẩn trương điều tra làm rõ vi phạm của các công ty trên; nếu có dấu hiệu vi phạm hình sự sẽ chuyển hồ sơ cho cơ quan công an tiếp tục điều tra làm rõ.
Hiện nay ở nhiều vùng nông thôn, lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân, nhiều đối tượng còn tổ chức các hoạt động như khám chữa bệnh miễn phí, ca nhạc từ thiện.... nhưng thực ra là việc bán các loại thuốc tân dược với giá trên trời. Không ít gia đình ở nông thôn, vợ chồng cãi nhau, mâu thuẫn, con cái trách móc bố mẹ, gia đình ly tán, nghi kị, nói nhau nặng lời, thậm chí là từ mặt nhau chỉ vì tham gia vào hoạt động của các công ty trên.
Từ thực tế trên, chính quyền các cấp, các cơ quan chức năng cần tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân ở vùng nông thôn để họ tránh sa vào "bẫy" đa cấp; đồng thời cần siết chặt quản lý hoạt động kinh doanh của các công ty.
Theo TTXVN

Có thể bạn quan tâm?

Thời cuộc 24h 5402130718217642052

Đăng nhận xét

emo-but-icon

Tin nóng

Tin cập nhật

Like Fanpage

item