Đã tìm được thi thể phu vàng thứ 2

Vào hang Nước phải mất hơn 3 giờ đi bộ gần 10km đường rừng. Địa hình khó khăn gây nhiều khó khăn cho công tác cứu hộ.

13h hôm nay (9.6), đội cứu hộ đã đưa thi thể thứ hai trong hang Nước ra ngoài từ độ sâu hơn 80m. Nạn nhân được xác định là ông Phạm Văn Dụng (62 tuổi ở Lâm Xa, Bá Thước). Gia đình đang huy động nhân lực vào hiện trường vận chuyển xác ông này về quê mai táng.
Tại hiện trường, khoảng 100 nhân lực thuộc nhiều lực lượng như lính công binh, cảnh sát PCCC và cứu hộ cứu nạn, biên phòng… vẫn đang tham gia tìm kiếm.
Lính cứu hỗ vẫn đang nỗ lực xuống hang cứu phu vàng mắc kẹt. Ảnh: Lê Hoàng
Sáng nay, ông Nguyễn Văn Dũng (Chủ tịch UBND huyện Bá Thước) cho biết, lực lượng cứu hộ tiếp tục triển khai các giải pháp khả thi nhằm sớm tiếp cận lòng hang Nước. Việc dùng máy nén khí thổi oxy xuống lòng hang nhằm đẩy khí độc thoát ra ngoài cũng được áp dụng.
Những ngày qua, dù trang bị nhiều thiết bị hiện đại nhưng lực lượng cứu hộ vẫn khó khăn trong việc tiếp cận do không thông thạo địa hình. Hôm nay, đội cứu hộ đã huy động những phu vàng có kinh nghiệm làm hoa tiêu chỉ đường và trực tiếp tham gia cứu nạn.
“Nhiều phu vàng thông thạo lòng hang như chính ngôi nhà của họ nên sẽ giúp cho việc cứu hộ”, ông Dũng nói.
Song song với việc đẩy khí sạch vào lòng hang, lính công binh cũng đang dùng các thiết bị chuyên dụng phá rộng các ngách hang hẹp. Tại vị trí cách mặt đất khoảng 9m, cứu hộ phát hiện một lưới sắt lớn vốn được phu vàng khóa chặt nhằm ngăn người ngoài đột nhập và đã phá bỏ.
Vào hang Nước phải mất hơn 3 giờ đi bộ gần 10km đường rừng. Địa hình khó khăn gây nhiều khó khăn cho công tác cứu hộ. Ảnh: Lê Hoàng
Trước đó sáng 5.6, hai phu vàng xuống hang Nước ở bản Kịt (xã Lũng Cao, Bá Thước, Thanh Hóa) để đào vàng. Một trong hai người bị ngạt khí độc, cố bò lên gọi người ứng cứu. Hai phu vàng khác sau đó chui vào hang và không thấy trở ra.
Trong ba ngày 6-8.6, Thanh Hóa đã huy động nhiều lực lượng giải cứu nhưng bất thành bởi lối vào hang quá hẹp, miệng hang chỉ đủ cho một người nhỏ chui lọt, địa hình trong hang gập ghềnh, nhiều khí độc. Các buổi chiều, trời đều đổ mưa rất lớn gây nguy cơ sạt lở, không đảm bảo an toàn cho lực lượng tìm kiếm nên việc cứu hộ thường xuyên bị gián đoạn.
Khu vực bản Kịt không có điện lưới, không sóng điện thoại và muốn vào hang phải mất nhiều giờ đi bộ cũng gây trở ngại lớn cho công tác cứu hộ.

Theo Dân Việt

Có thể bạn quan tâm?

Tin nóng 7004820080953124467

Đăng nhận xét

emo-but-icon

Tin nóng

Tin cập nhật

Like Fanpage

item