Tuyệt chiêu dân gian ít biết giúp ăn vải mà không nóng
https://www.scandal24h.net/2016/06/tuyet-chieu-dan-gian-it-biet-giup-vai-ma-khong-nong.html
Ăn cả lớp màng trắng, ngâm qua
nước muối, uống canh xương trước khi ăn hay ăn vải lúc sương sớm là những
kinh nghiệm được lưu truyền.
Vải là một loại quả ngon được nhiều người yêu thích, có vị ngọt thanh, nhiều nước, mùi thơm nhẹ. Vải được trồng nhiều ở khu vực phía Bắc, nổi tiếng nhất là vùng đất Bắc Giang và Hải Dương. Từ xa xưa, người ta vẫn truyền tai nhau rằng, đây chính là thức quả được xem như bí kíp làm đẹp của nàng Dương Quý phi sắc nước hương trời, sau này nhiều phi tần Trung Quốc cũng ưa dùng với mong ước trẻ trung, xinh đẹp, đẫy đà trong mắt các vị quân vương.
Ở Việt Nam, giá quả vải khi vào mùa chính vụ lại khá rẻ nên được nhiều bà nội trợ mua về cho gia đình thưởng thức. Bên cạnh nhiều ưu điểm có lợi về sức khỏe mà vải mang lại, điều mà nhiều người e ngại nhất chính là việc ăn vải nhiều sẽ gây nóng trong người, nhẹ thì nổi mụn, dị ứng, nặng thì thậm chí nguy hiểm về sức khỏe.
Y học cổ truyền cho rằng quả vải có tính nóng nên những người âm hư hỏa vượng phải cẩn trọng, ăn nhiều sẽ sinh hỏa và dân gian cũng có câu “một quả vải bằng ba ngọn đuốc”.
Dù vậy, bạn vẫn có thể thưởng thức loại quả vừa ngon vừa đẹp da này nhưng cần lưu ý những tuyệt chiêu dưới đây để hạ nhiệt, tránh những tác dụng gây hại lên cơ thể.
Ăn cả lớp màng trắng
Khi ăn vải nếu ăn cả lớp màng trắng bọc bên ngoài phần cùi vải và phần trắng trên đầu quả vải sẽ không bị "sinh hỏa", giảm được cảm giác nóng trong người khi ăn. Lớp vỏ này vị hơi chát, tuy nhiên ăn đến phần cùi vải lại thấy ngon, ngọt hơn.
Dùng nước muối ngâm
Nếu ngại ăn lớp màng bọc vị chát nói trên, bạn cũng có thể đem quả vải bóc vỏ (để lại màng trắng), hòa nước muối 30%, ngâm vào khoảng một tiếng, sau đó bóc lớp màng ra. Cách này cũng giúp giảm được phần lớn tính hỏa trong quả vải.
Nếu muốn bảo quản quả vải tươi lâu, bạn cũng có thể mang phần quả vải chỉ còn cùi, ngâm vào nước muối loãng, một tiếng sau vớt ra cho vào hộp bảo quản đậy kín, sau đó để ngăn đá tủ lạnh, bao giờ muốn ăn thì lấy ra.
Uống chút nước muối
Trước khi ăn, bạn cũng có thể uống chút nước muối hoặc trà thảo mộc lạnh, hoặc canh bí đao, chè đậu xanh… Những loại thực phẩm này có tính mát, giúp hạ nhiệt.
Ăn thịt nạc, uống nước canh xương
Theo dân gian, trước khi ăn vải, trong bữa cơm chính, bạn có thể ăn 20-30 gram thịt nạc hoặc uống nước canh xương…. như vậy cũng có tác dụng phòng trừ sinh hỏa.
Ăn vải khi vẫn còn sương sớm
Nếu có điều kiện ăn trái chín cây, bạn có thể ăn lúc còn sương sớm, tức là vào lúc sáng sớm khi còn chưa ráo sương, ăn quả vải được vặt từ trên cây xuống sẽ không bị nóng trong người. Quả lúc này được hấp thu ánh nắng của cả một ngày rồi lại được ngâm trong không khí mát mẻ của cả một đêm, tính nóng đã được giảm đi rất nhiều.
Ăn quả vải ở cây phía Đông
Đây là một kinh nghiệm truyền miệng ít người biết và chỉ có những người ăn quả tại vườn mới có điều kiện thực hiện.
Theo đó, cây vải là loại cây ưa ánh sáng mặt trời. Quả vải khi chín sẽ chín từ phía Tây của cây, lan sang phía Đông, do ban ngày ánh nắng từ phía Tây chiếu mạnh hơn. Những người biết thưởng thức vải thường vặt quả vải ở phía Tây ăn bởi vì vải ở hướng này đặc biệt ngọt. Những người sợ sinh hỏa sẽ thường hái quả ở phía Đông để ăn vì họ tin rằng, quả phía này ít nhận ánh sáng mặt trời sẽ đỡ nóng hơn. Tuy nhiên, kinh nghiệm này ít được phổ biến.
Theo Ngôi sao