Kỳ Duyên: Nếu cô thấy vương miện quá phiền toái…
https://www.scandal24h.net/2016/07/ky-duyen-neu-co-thay-vuong-mien-qua-phien-toai.html
Thì cô hãy đặt vương miện xuống để làm một cô gái bình thường. Thực sự, cô hợp với một cô gái bình thường hơn là một hoa hậu, Kỳ Duyên ạ !
Còn bây giờ, nói với hoa hậu Kỳ Duyên như thế này...
Nói vậy cũng không có nghĩa tất cả các hoa hậu đều là những cô gái "không bình thường". Nhưng cũng không thể minh biện rằng hoa hậu cũng bình thường, không thể là "thánh nhân" nên "muốn làm gì thì làm".
Từ nhỏ đến lớn, chúng ta được giáo dục kỹ càng về "người đại diện". Những đứa trẻ luôn đòi hỏi cậu hoặc cô lớp trưởng lớp mình phải gương mẫu.
Tức là chúng ta ý thức rằng, khi một tập thể bình bầu ra một gương mặt đại diện cho một tập thể, thì chắc chắn người đấy phải là người xứng đáng.
Họ có những điều "không nên làm", thậm chí là không được phép làm. Dù những điều đó, không có quy định trong luật rằng, lớp trưởng được làm cái này, không được làm cái nọ.
Thế nên, cũng đừng đưa luật ra để "doạ" rằng Kỳ Duyên không vi phạm pháp luật khi phì phèo hút thuốc.
Kỳ Duyên thử "phì phèo" như thế trong một bộ ảnh quảng cáo xem nào? Lúc đó, luật pháp sẽ nói chuyện một cách cụ thể, rành mạch với cô ngay.
Còn bây giờ, nói với hoa hậu Kỳ Duyên như thế này: rõ ràng trong một cuộc thi mang tầm quốc gia, cô đã trở thành đại diện nhan sắc cho quốc gia ấy, trong một thời điểm nhất định.
Cũng như bài học mà bất cứ một đứa trẻ nào được giáo dục bài bản từ nhỏ về người đại diện, Kỳ Duyên hơn ai hết, phải là người mẫu mực.
Chứ thực sự, hình ảnh một hoa hậu hôm nay phì phèo thuốc lá, trước đó thì ngồi "quên cả sự đời", hay dáng nằm với bàn chân bẩn là những hình ảnh không hề đẹp mắt một chút nào.
Cuộc sống của chúng ta không chỉ đòi hỏi mọi thứ được ràng buộc bởi luật pháp, mà các hành động còn bị ràng buộc bởi những phép ứng xử tối thiểu.
Cũng như chúng ta không chỉ có một toà án thực thi luật pháp. Mà còn biết bao "toà án" khác, với những phiên xử cay nghiệt hơn để tìm ra một mẫu hình tương đối hoàn hảo trong cuộc sống.
Vâng, chính sự chấp hành những phép ứng xử tối thiểu làm nên sự thanh lịch, sự văn minh của một con người.
Và Kỳ Duyên, cô được chọn làm hoa hậu khi còn quá trẻ, thay vì để cho mình vấp ngã, thì chính cô, nên là người học hỏi những quy tắc ứng xử văn minh, lịch sự để chứng minh rằng, người ta trao vương miện để cô làm một đại diện nhan sắc, là hoàn toàn xứng đáng.
Tự do không có nghĩa là vô kỷ luật
Một số ý kiến cho rằng, Kỳ Duyên quá trẻ, nên phạm lỗi, va vấp cũng là "bình thường thôi". Tôi thì không nghĩ thế.
Tôi còn nhớ khoảnh khắc Kỳ Duyên đội vương miện, cộng đồng mạng được một phen dậy sóng vì nhan sắc của cô.
Thôi thì, cái đẹp trong mắt kẻ đa tình chứ không phải trong mắt người thường, như một danh nhân đã nói, tôi mạn phép không bàn luận.
Nhưng lúc đó, nhiều người đã đặt kỳ vọng lớn ở Kỳ Duyên, với một bảng điểm quá đẹp, một học sinh trường chuyên và lại là một sinh viên của một đại học danh giá.
Rằng với "profile" đó, người ta kỳ vọng ở cô, một hoa hậu có học, văn minh lịch sự, chứ không phải giống 1 kiểu hoa hậu ao làng nào đó sống chỉ ngửa tay trông chờ vào tiền bạc của đàn ông mang lại.
Nhưng rồi theo một chiều dài 2 năm, Kỳ Duyên đã không chứng minh được sự liên quan giữa cái "profile" đó và những hành động ứng xử của mình. Chứ chưa nói là những hành động ứng xử mà công chúng chờ đợi ở một hoa hậu.
Bắt đầu từ dáng ngủ không mấy đẹp mắt. Thôi thì, ngủ thì ai ý thức được mình, lỗi có thể bỏ qua.
Rồi chụp hình quảng cáo chân bẩn: Thôi thì chân đi xuống đất, bẩn là bình thường. Có trách thì trách kẻ xử lý ảnh không có tâm và kẻ tung ảnh đầy mưu đồ.
Nhưng đến lượt bị tố kêu gọi cộng đồng mua dưa nhưng chỉ đến ôm trái dưa chụp ảnh rồi lên taxi đi về, thì đúng là giễu nại cái khổ của đồng bào quá.
Đi từ thiện thì kiểu "đi để chụp ảnh", quần là áo lượt diễn như thật. Đi nhặt rác thì môi đỏ chót, cầm mấy cọng rác chụp ảnh. Thế thì thà đừng làm. Và đừng lấy danh hiệu hoa hậu ra để làm.
Đừng nói hoa hậu chỉ đơn thuần là cuộc thi nhan sắc và người đó là người đẹp nhất trong cuộc thi đó, nói thế là vô trách nhiệm.
Người ta cần hoa hậu là cần một đại sứ thực sự cho cái mỹ và cái thiện. Đó là lý do tại sao tất cả các hoa hậu thế giới đều phải đi làm từ thiện.
Còn nếu trao vương miện cho cô để cô thích làm gì thì làm, rằng cô là những người bình thường nên có quyền bỗ bã, có quyền say xỉn, có quyền hỗn hào với cha mẹ, thế thì, chỉ có nước là trao nhầm vương miện.
Đó là những thứ mà người bình thường còn không được quyền vấp phải, nói gì là một hoa hậu?
Kỳ Duyên đang đại diện cho điều gì?
Hoa hậu đại diện cho một niềm tin của công chúng đặt vào cái đẹp. Nói một cách văn vở, cái đẹp có thể cảm hoá con người và giúp cho một số thứ thay đổi.
Thực sự, ở Việt Nam đã có những hoa hậu như thế. Nguyễn Thiên Nga chẳng hạn. Đoạt vương miện khi là sinh viên ngoại thương (xuất phát điểm giống Kỳ Duyên), cô vẫn tiếp tục con đường học vấn, trở thành thạc sỹ ở nước ngoài.
Thiên Nga thầm lặng phụng dưỡng trọn đời một số mẹ Việt Nam anh hùng bằng tiền của cô một cách thầm lặng. Chẳng bao giờ cô nói trên báo.
Vâng, đó chính là đại sứ của cái thiện.
Lan Khuê, tại Trung Quốc, trong cuộc thi Hoa hậu thế giới, cô đã trình chiếu tấm bản đồ có chủ quyền Trường Sa và Hoàng Sa. Vâng, khi là Hoa hậu ra nước ngoài, cô là đại diện của một đất nước, một dân tộc.
Kỳ Duyên đại diện cho điều gì lúc này? Tôi không biết.
Với những gì nhìn thấy, và những gì cô nói, tôi chỉ thấy cô đang đại diện cho cá tính của cô, cho sự nổi loạn tuổi trẻ. Thậm chí, đại diện cho cả những hoang mang, thiếu định hướng của không ít người trẻ thiếu nỗ lực và thích hưởng thụ.
Bây giờ, không ai biết cô học sinh giỏi năm xưa đang học ở đâu, sắp thành cái gì. Chỉ biết một cô hoa hậu suốt ngày quấn đồ hiệu, với những hành động ứng xử không giống ai. Và thích gì làm nấy.
Và nếu thế, hãy bỏ vương miện xuống và sống theo cách của cô.
Tôi cũng nói thêm với một số người bênh vực rằng Tây thoáng hơn ta, rằng Kỳ Duyên "không phải là thánh", rằng "người hâm mộ thiếu chuyên nghiệp" rằng:
Hoa hậu nước Anh 2015 Zara Holland bị tước vương miện vì sống quá bản năng khi tham gia một chương trình truyền hình thực tế.
Hoa khôi Delaware, Hoa khôi tuổi teen Mỹ năm 2013 cũng bị tước danh hiệu vì lộ clip sex trên mạng.
Hoa hậu hoàn vũ Nhật Bản Hiroko Mima 2008 cũng bị mất vương miện về những bê bối liên quan đến sex.
Marjorie Wallace, Hoa hậu thế giới 1973 cũng chỉ giữ vương miện hơn 3 tháng, sau khi bị phát hiện đời sống tình ái của cô quá lộn xộn.
Đấy, ở nhiều nơi khác trên thế giới, Hoa hậu đâu phải cứ muốn làm gì thì làm?
Quay lại với vấn đề đại diện, với tất cả các nhãn hàng, họ yêu cầu các đại sứ thương hiệu không dính vào các scandal, giữ hình ảnh sạch sẽ đẹp đẽ. Và khi có "dớp", các nhãn hàng thường thay ngay người khác.
Thế, đại diện nhan sắc cho một quốc gia, việc yêu cầu có một hình ảnh sạch sẽ đẹp đẽ, có gì sai đâu?
Và không lẽ, với Kỳ Duyên, một học sinh giỏi, lại có giáo dục, không thể "đẹp đẽ" được hay sao, mà để công chúng buồn lòng thế?
theo Trí Thức Trẻ