Rơi mặt nạ vì "Mặt nạ máu"
https://www.scandal24h.net/2016/07/roi-mat-na-vi-mat-na-mau.html
Câu chuyện xung quanh bộ phim Mặt nạ máu xem ra đang làm những người trong cuộc, trong đó có biên kịch, tự làm rơi chiếc mặt nạ của mình xuống.
Vụ ồn ào xung quanh bộ phim Mặt nạ máu chưa biết lúc nào dừng lại. Sau tuyên bố của nhà sản xuất rằng sẽ khởi kiện diễn viên Tina Tình tội vu khống, Tina Tình cũng thẳng thừng đáp trả: “Tôi sẵn sàng hầu tòa”. Trước đó, cô được xem là người châm ngòi cho vụ lùm xùm này khi đăng đàn chỉ trích Mặt nạ máu ngay lúc phim vừa chiếu ra mắt xong.
Tina Tình - đồng biên kịch của phim - tố cáo nhà sản xuất Phạm Việt Anh Khoa của hãng Saiga Films đã thay đổi kịch bản tới 70-80%, đẩy nhân vật bà Thu của cô từ chính xuống thành phụ. Sau đó vài ngày, Tina Tình lại công khai việc cô nhận tin nhắn đe dọa móc mắt nếu còn phát biểu trên báo. Sau thời gian im lặng, nhà sản xuất và đạo diễn Đỗ Thành An lên tiếng, khẳng định những thông tin của Tina Tình hoàn toàn sai sự thật.
Đạo diễn Đỗ Thành An chụp ảnh cùng Tinna Tình và Dương Cẩm Lynh. |
Dư luận không lạ những màn “vạch áo cho người xem lưng” của các đoàn phim Việt, nhưng lùm xùm về bộ phim này đã đi quá xa tưởng tượng của nhiều người. Lần đầu tiên có một biên kịch chê bai phim do mình viết kịch bản, sau đó bị hăm dọa tính mạng. Vấn đề nhà sản xuất hay đạo diễn có quyền can thiệp thế nào đối với kịch bản một lần nữa được xới lên.
Theo nhà biên kịch Châu Thổ: “Khi biên kịch ký hợp đồng với nhà sản xuất, nếu trong hợp đồng không có thỏa thuận về việc bên mua không được phép can thiệp vào kịch bản, đường dây câu chuyện thì nhà sản xuất có quyền thay đổi sao cho bộ phim phù hợp với giá thành sản xuất, thị hiếu người xem”.
Đồng tình với ý kiến này, biên kịch trẻ Nguyễn Mỹ Trang nêu quan điểm thoáng hơn: “Phim là của đạo diễn, công việc của biên kịch là hỗ trợ cho đoàn phim chứ không phải phục vụ cho cái tôi của mình. Kịch bản chỉ là một văn bản chỉ dẫn chung, không phải là đặc thù sáng tạo riêng hay một tác phẩm văn học của biên kịch, do đó nếu không thỏa thuận rõ nhà sản xuất phải tuân theo kịch bản thì nhà sản xuất có quyền thay đổi nếu kịch bản được viết kiểu đo ni đóng giày nhưng diễn viên đó không tham gia được hoặc có quyền can thiệp đẩy nhân vật của diễn viên nào mà họ nhắm sẽ ăn khách lên”.
Để ngã ngũ sự việc này, cách tốt nhất là đôi bên chỉ cần trưng ra bằng chứng về thỏa thuận ban đầu nếu có khi ký hợp đồng, hơn là cứ lời qua tiếng lại trên các phương tiện truyền thông. Tina Tình tố bị cắt 90% vai diễn, phía đạo diễn - nhà sản xuất phản pháo rằng chỉ cắt chưa tới10%. Đúng-sai rồi đây sẽ được phân xử nhưng việc một thành viên trong đoàn lại lên tiếng chê bai phim mình tham gia không phải là cách hành xử chuyên nghiệp. Huống hồ trong các hợp đồng đóng phim luôn ghi rõ ai mới là người có quyền phát ngôn với báo chí về bộ phim. Quyền phán xét bộ phim trên hết luôn thuộc về người xem.
Vội vã phản ứng về tác phẩm, lại là phản hồi tiêu cực là cách làm vượt quá thẩm quyền của người giữ vai trò đồng biên kịch-diễn viên như Tina Tình. Câu chuyện xung quanh bộ phim Mặt nạ máu xem ra đang làm những người trong cuộc, trong đó có biên kịch, tự làm rơi chiếc mặt nạ của mình xuống, để lộ sự thiếu chuyên nghiệp trong công việc lẫn hành xử.
Hai năm trở lại đây, phim Việt đang trên đà tăng tốc, nhiều nhà làm phim mới xuất hiện khiến nỗi lo về những bất ổn trong cách làm phim cũng tăng lên, mà vụ việc Mặt nạ máu là điển hình mới nhất. Để chất lượng phim Việt được nâng tầm, tương xứng với sự tăng trưởng về số lượng, đòi hỏi tự thân những người trong cuộc phải chuyên nghiệp hơn trong làm nghề lẫn phát ngôn.
Nguyễn Ngọc